Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thu mua lúa gạo tạm trữ: Trăm dâu đổ đầu... nông dân
18 | 03 | 2010
Khi thị trường gạo thế giới trầm lắng và hạt gạo bị ép giá, việc thu mua tạm trữ và giãn tiến độ xuất khẩu gạo hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giữ giá là điều cần thiết.
Tuy nhiên, việc thu mua lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải khó khăn về vốn và giá khiến nông dân tiếp tục bị thiệt thòi. Điều này cho thấy vai trò điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam chưa thật rõ.

Khó về vốn

Việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ đạo 30 doanh nghiệp (DN) thành viên (chủ yếu là các DN xuất khẩu gạo có hệ thống kho) mua tạm trữ lúa quy ra 1 triệu tấn gạo trong tháng 3 và 4 đang là mối quan tâm hàng đầu của nông dân trồng lúa hàng hóa và DN thu mua tạm trữ gạo xuất khẩu. DN lo lắng, nếu thu mua lúa gạo tạm trữ lâu sẽ phải chịu lãi suất ngân hàng rất cao. Bên cạnh đó là sự hoài nghi của DN về vai trò điều hành của VFA trong thời gian qua, bởi vẫn còn xảy ra tình trạng bán phá giá của nhiều DN, khiến những DN thực hiện tốt quy định về giá sàn bị thiệt thòi.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của các DN kinh doanh lương thực phục vụ cho thu mua lúa gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Theo thống kê, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của cả nước đến nay vào khoảng 231 nghìn tỷ đồng; riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 71 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,6%). Trong khi đó, huy động vốn của cả khu vực chỉ đạt xấp xỉ 115 nghìn tỷ đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tại chỗ đang ngày một tăng. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: "Nhu cầu vay vốn của người nông dân và các DN vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, nhưng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng của nông dân bị hạn chế do lãi suất và cơ chế vay vốn có nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế nông thôn, nông dân". Ông Ngọc cho biết thêm, một số DN đang đứng trước khó khăn lớn về vốn thu mua lúa gạo tạm trữ cho xuất khẩu. Do hầu hết DN chưa ký kết được hợp đồng với đối tác nước ngoài, nên đều chưa thể vay vốn ngân hàng. Còn ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cho rằng, với dự kiến xuất khẩu tới 6 triệu tấn gạo trong năm 2010 (kim ngạch khoảng 3 tỷ USD), các DN xuất khẩu gạo đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Thực tế, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo về việc đáp ứng nguồn vốn cho các DN thu mua lúa gạo, nhưng khi "đầu ra" vẫn còn bấp bênh như hiện nay, các ngân hàng vẫn còn do dự khi cho DN vay.

Nghịch lý về giá

Giáo sư - Tiến sỹ Võ Tòng Xuân, cố vấn cao cấp Đại học An Giang cho rằng, việc VFA tự định giá thu mua lúa hàng hóa trong vụ đông xuân 2009-2010 là chưa hợp lý. Việc xác định giá thành sản xuất lúa phải do hội đồng lúa gạo, gồm Nhà nước, DN, đại diện người tiêu dùng và nông dân quyết định. Theo Giáo sư, giá thành là sự tổng hòa chuỗi yếu tố, gồm công sức, tiền của mà người nông dân đã đầu tư trong suốt quá trình làm ra hạt lúa. Trong khi đó VFA quy định giá thu mua tối thiểu tại kho DN là 4.000 đồng/kg lúa đã bảo đảm cho nông dân có lãi tối thiểu 30% là chưa đúng với thực tế. Trên cơ sở khung giá do VFA ban hành, tư thương sẽ tổ chức mua với giá 3.500-3.600 đồng/kg. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, giá thành sản xuất lúa đã lên đến 3.200 đồng/kg nên lợi nhuận thấp hơn nhiều so với mục tiêu 30%. Mới đây, nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp "nông dân sản xuất lúa hàng hóa nếu bán được 4.000 đồng/kg là có lãi trên 30%" đã bị phản bác. Các chuyên gia kinh tế tính toán, giá thành của mỗi kilôgam thóc hiện nay dao động từ 3.000 - 3.700 đồng/kg và vụ tới còn có thể còn cao hơn nữa vì 11/16 khoản chi phí đầu vào của hạt thóc đã tăng giá. Vì thế, nếu bán được giá 4.200 đồng/kg thóc tại kho thì nông dân mới bù đắp được chi phí đã ứng trước và có chút lãi, còn với lấy theo giá mua thời điểm hiện nay dùng để đưa vào tính cân đối thu chi cho vụ tới thì nông dân chưa có lãi.

Liên quan đến công tác điều hành xuất khẩu gạo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu sau khi VFA thu mua hết sản lượng lúa đông xuân năm 2010 với giá bảo hiểm 4.000 đồng/kg, giá gạo trên thị trường thế giới có thể đảo chiều tăng vọt như năm 2009 trong những tháng tới, lúc này các thành viên của VFA lại được hưởng lợi, còn nông dân thì ngậm ngùi vì đã bán hết lúa cho VFA. Đây là một nghịch lý vô cùng lớn.

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng El Nino đang làm khô hạn mất mùa lúa tại nhiều quốc gia, khiến số quốc gia cần nhập khẩu gạo tăng lên. Ngay những quốc gia từng xuất khẩu gạo lớn và từng là đối thủ của ta trước đây như Trung Quốc, Ấn Độ... cũng đang dự định nhập khẩu gạo. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cao giá thu mua lúa hàng hóa để tăng lợi nhuận cho nông dân.


(HNM)
Báo cáo phân tích thị trường