Thông tin Thanh tra Sở Y tế TPHCM vừa công bố 10 mẫu sữa có hàm lượng đạm không đạt chuẩn theo tiêu chuẩn mà nhà sản xuất công bố đã gây sốc cho người tiêu dùng. Đáng lo ngại hơn, đây không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng tại TPHCM phát hiện các loại sữa không bảo đảm chất lượng. Ghi nhận thực tế thị trường cho thấy chất lượng mặt hàng này đang rất phức tạp.
Hầu hết sữa dỏm thiếu đạm
Tại chợ Bình Tây, các loại sữa bán ký (đựng trong bao ni lông), sữa trong hộp giấy, hộp thiếc bày bán khá đa dạng. Theo một chủ sạp, sữa bột đóng gói do các cơ sở mua sữa bao (50 kg/bao) về sang chiết, đóng gói nên có hay không có ghi độ đạm cũng không khác nhau.
Chẳng hạn, sữa bột nguyên kem Full-Cream Milk Powder đóng gói 500 g dành cho trẻ 1 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai, sau sinh và cho con bú, người già không hề ghi độ đạm. Sữa bột béo Hòa Lan gói 500 g cũng tương tự... Hầu hết trên các nhãn hàng chỉ ghi tên cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc nhập khẩu từ Úc, Hà Lan, New Zealand, Trung Quốc...
Giám đốc một công ty sữa tại TPHCM tiết lộ: Nếu đem tất cả các sản phẩm sữa sản xuất, đóng gói tại TPHCM đi kiểm tra, có thể có đến 80% sản phẩm không đủ độ đạm.
QLTT TPHCM kiểm tra một điểm chế biến sữa kém chất lượng trên địa bàn quận Gò Vấp. Ảnh: L.Giang
Chúng tôi tìm đến một số công ty có tên trong danh sách “đen” sữa thiếu đạm từ đầu năm đến nay, trong đó có cả đơn vị vừa bị nêu tên, thì được hướng dẫn mua hàng ở khu vực Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú), siêu thị sách trên Quốc lộ 50 (quận 8).
Đặc biệt, 3 nhãn hiệu sữa bột dinh dưỡng nguyên kem uống liền Uclady, sữa bổ sung DHA Taurin – Cholin IQ Uclady, sữa phát triển chiều cao Uclady của Công ty Việt Ý vừa bị Sở Y tế yêu cầu thu hồi ngày 17-3, nay vẫn bán nhan nhản ở các cửa hàng khu vực Tân Kỳ Tân Quý, Lê Trọng Tấn, giá bán lẻ từ 41.000 đồng – 45.000 đồng/hộp 400 g. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn phân phối sữa Uclady, một nhân viên của công ty này hứa là sẽ báo cho nhân viên tiếp thị mang hàng đến tận nhà trong vài ngày tới.
Nhà nhà sản xuất sữa!
Thủ đoạn phổ biến của các cơ sở sản xuất sữa dỏm là tìm mua nguyên liệu loại rẻ tiền chỉ bằng 1/3 giá sữa có chất lượng. Đây là loại bột bắp được tạo màu sắc, mùi vị khá giống với sữa bột hoặc mua loại sữa bột bình thường nhưng nhà sản xuất ở nước ngoài đã “rút” bớt chất đạm lẫn chất béo.
Công đoạn chế biến cũng rất đơn giản, chỉ cần trộn loại nguyên liệu sữa bột dỏm này với đường, hương liệu, sau đó vô hộp (hoặc bịch) không cần phải qua các công đoạn xử lý như phòng cách ly tiệt trùng, tia cực tím, máy hút chân không, thiết bị bơm nitơ... để bảo quản sữa như các nhà máy công nghiệp vẫn làm.
Một số cơ sở còn trộn thêm hương mùi sữa, chất đạm giả, chất béo giả được mua ở chợ hóa chất Kim Biên để dễ qua mặt cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. Các loại vỏ lon bằng kim loại, vỏ hộp giấy đều có cơ sở sản xuất in ấn sẵn với giá 10.000 đồng/vỏ lon kim loại, từ 1.000 đồng - 1.500 đồng/cái bịch giấy...
Những loại sữa này được bày bán nhiều ở vùng ven TPHCM và đưa về các tỉnh tiêu thụ. Để khuyến khích bán hàng, các cơ sở sản xuất sẵn sàng chi hoa hồng đậm nên các điểm kinh doanh sữa rất tích cực quảng bá để bán loại sữa này hơn là bán hàng của những thương hiệu có uy tín.
Giám đốc một công ty sữa có uy tín tại TPHCM cho rằng nguyên nhân sữa dỏm tràn lan là do tình trạng quản lý hiện nay khá lỏng lẻo khiến nhà nhà đều có thể sản xuất sữa bán ra thị trường. Nhiều cơ sở làm ăn theo kiểu chụp giựt, chỉ cần bỏ ra vài chục triệu đồng để mua máy tự chế đóng đáy lon, cối trộn là được cấp giấy phép sản xuất...
Vụ sữa quá hạn ở Bình Dương Khối lượng sữa bị phát hiện lên đến 72 tấn Liên quan đến vụ 40 tấn sữa quá hạn sử dụng bị phát hiện ở Bình Dương (Báo Người Lao Động ngày 18-3 đã thông tin), cùng ngày, theo báo cáo từ Xí nghiệp Xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương (nơi lưu kho số sữa đã bị giữ), số sữa trên được xí nghiệp cân lại với số lượng lên đến 72 tấn chứ không phải 40 tấn như Công ty Thế Giới Xanh khai báo.
40 tấn sữa này nằm trong 105 tấn sữa quá hạn của Công ty Anco, được vận chuyển từ kho KCN Sóng Thần về KCN Nam Tân Uyên để tiêu hủy do quá hạn sử dụng. Thời hạn cuối cùng để xử lý hết toàn bộ số sữa quá hạn là ngày 28-10-2009. Thượng tá Lê Minh Châu, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: “Chúng tôi đang khẩn trương điều tra làm rõ cá nhân, đơn vị nào đã tiếp tay giúp Công ty Anco gian dối trong việc tiêu hủy 105 tấn sữa quá hạn”.
V.Hùng |
Phạt nặng doanh nghiệp bán sữa dỏm Tạm ngưng sản xuất những dòng sản phẩm vi phạm Sau khi Sở Y tế TPHCM công bố 10 mẫu sữa có hàm lượng đạm không đạt theo tiêu chuẩn đã công bố của nhà sản xuất, ngày 18-3, ông Hàn Tự Do, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết sắp tới sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát việc thu hồi các sản phẩm sữa có sai phạm nói trên tại địa bàn TP Hà Nội, đồng thời liên tục kiểm tra và lấy mẫu các sản phẩm sữa để xét nghiệm.
Trước đó, Thanh tra Sở Y tế đã lấy một số mẫu sữa trên thị trường Hà Nội để xét nghiệm hàm lượng đạm và béo nhưng không phát hiện có sai phạm so với công bố. Cùng ngày, đại diện Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường chỉ đạo doanh nghiệp chủ động lấy mẫu sản phẩm gửi đến labo xét nghiệm xem có phù hợp với tiêu chuẩn hay không.
Nếu sản phẩm không bảo đảm, doanh nghiệp phải chủ động rút lô sản phẩm đó khỏi thị trường. Doanh nghiệp nào cố tình không thực hiện để cơ quan quản lý Nhà nước phát hiện sẽ bị xử phạt nặng, thậm chí bị đình chỉ hoạt động.
. Liên quan đến vụ 10 mẫu sữa có vấn đề của 4 công ty vừa bị Thanh tra Sở Y tế TPHCM điểm tên, bác sĩ Phạm Kim Bình, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế, cho biết trong 4 công ty này có một công ty bị đình chỉ hoạt động sản xuất là Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Việt Ý.
Lý do là cơ sở này có nơi sản xuất chế biến không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở vi phạm từ tuần sau phải đến sở làm việc.
Trước mắt, các cơ sở vi phạm phải tạm ngưng sản xuất những dòng sản phẩm vi phạm cũng như tiến hành thu hồi các sản phẩm không đạt chất lượng đã lưu hành trên thị trường.
|