Mất mùa… rớt giá
Trước khi kết thúc năm 2009, ngành cà phê Việt Nam đã rất lạc quan tin tưởng rằng sang năm 2010, xuất khẩu cà phê sẽ nhanh chóng hồi phục. Thế nhưng, diễn biến trong tiêu thụ cà phê đã tồi tệ hơn rất nhiều, nằm ngoài dự báo. Trái ngược với điệp khúc "được mùa giảm giá", "được giá mất mùa", thị trường cà phê đang đứng trước nghịch lý mất mùa nhưng... rớt giá. Bộ NN&PTNT cho biết, trong những ngày qua, tại các trang trại cà phê, nông dân đang gồng mình chống hạn, mực nước sông, suối và cả nước ngầm xuống rất thấp khiến nguồn nước tưới thiếu hụt trầm trọng. Khó khăn hơn khi niên vụ cà phê trước coi như mất trắng vì sâu bệnh nặng, chi phí đầu vào tăng. Hiện tại với giá nhân công, tiền phân bón, thuốc, xăng dầu, bơm tưới thì một số chủ trang trại cà phê ở tỉnh Đắc Lắc đều cho rằng, nếu hạch toán đầy đủ giá thành cà phê phải là 25.000 đồng/kg. Điều bất lợi đối với người dân là từ trước đến nay hầu như chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra tính toán giá thành cà phê, nếu có chỉ ở cấp độ doanh nghiệp hoặc nông dân tự tính toán công sức, vốn liếng, lời lãi cho riêng mình.
|
Chăm sóc cây cà phê tại Sơn La. Ảnh: Yến Ngọc |
Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2010 chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm 40% so với năm ngoái. Từ đầu năm 2010, giá cà phê ở mức 23.700 đồng/kg, có lúc lên 24.500 đồng rồi giảm liên tục. Những ngày đầu tháng 3, giá cà phê trong nước có lúc xuống 22.500 đồng/kg. Giá thế giới cũng giảm mạnh, tại sàn giao dịch cà phê Luân Đôn giá cà phê robusta (loại cà phê xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam) có lúc chỉ 1.200 USD/tấn. Các chuyên gia cho rằng, giá cà phê giảm chủ yếu do cung vượt cầu. Tại Việt Nam, chỉ riêng cà phê robusta đã chiếm 14,3% sản lượng cà phê thế giới. Thế nhưng các nhà xuất khẩu cà phê trong nước đã ào ạt bán ra một lượng lớn cà phê trong thời gian ngắn. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), phương thức bán hàng trừ lùi (ký hợp đồng mua bán kỳ hạn nhưng không chốt giá) cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ ép giá.
"Giải cứu" khẩn cấp
Tại cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT với các bộ, ngành bàn biện pháp hỗ trợ thu mua tạm trữ cà phê cho nông dân vừa diễn ra, VICOFA và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) đã kiến nghị mua tạm trữ 200 nghìn tấn cà phê nhằm ngăn tình trạng giá cà phê giảm. Theo đó, Chính phủ giao Vinacafe quản lý nguồn tiền hỗ trợ 6% lãi suất trong vòng 6 tháng để mua trữ 200 nghìn tấn cà phê niên vụ 2009-2010. VICOFA sẽ chọn ra những doanh nghiệp có năng lực để ngân hàng rót vốn mua cà phê dự trữ. Kế hoạch mua vào bắt đầu từ ngày 15-3 đến 15-9-2010, với mức giá trung bình 23.000 đồng/kg trở lên đối với cà phê robusta loại 2.
Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành cà phê, khi Việt Nam mua dự trữ sẽ làm cho nguồn cung giảm, tác động tâm lý tới giá giao dịch tại Luân Đôn và các thị trường khác sẽ kéo giá cà phê lên. Tuy nhiên, đến tháng 4 và tháng 5 khi hai cường quốc xuất khẩu cà phê là Inđônêxia và Braxin bước vào vụ thu hoạch thì nguồn cung thế giới sẽ tăng lên, nên việc dự trữ của Việt Nam còn phải chờ đợi chiến lược bán hàng của hai quốc gia này mới có thể phát huy hiệu quả. Cạnh đó, để đạt được các mục tiêu đặt ra trong việc mua tạm trữ cà phê vẫn cần thêm nhiều yếu tố khác. VICOFA và các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam cùng quan điểm cho rằng: Thực hiện biện pháp tạm trữ cà phê là tốt nhưng cần quản lý chính sách này chặt chẽ. Đơn cử như việc nếu cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 0% để mua tạm trữ cà phê thì đồng thời cũng phải có chính sách giám sát doanh nghiệp thực hiện việc đó như thế nào. Không ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp không dùng đồng vốn đó vào thu mua cà phê mà đầu tư vào các chương trình khác, để đợi cà phê xuống giá mới mua vào. Như thế, doanh nghiệp sẽ bỏ túi một lượng tiền lớn nhờ vay vốn không lãi suất trong khi cà phê rớt giá vẫn hoàn rớt giá. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng nên hỗ trợ trực tiếp người trồng cà phê, như cho vay hỗ trợ lãi suất hoặc khoanh nợ. Về lâu dài, để tránh các nhà đầu cơ nước ngoài thao túng, cần nhanh đưa sàn giao dịch cà phê nước ta đi vào hoạt động, đồng thời tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam và giữa Việt Nam với các cường quốc cà phê. Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trung Nguyên, phải có sự hợp tác giữa các nước trồng cà phê lớn, giống như một "OPEC cà phê". Khi đó, người quyết định phải là các cường quốc cà phê lớn như Việt Nam và Braxin.
Dù thế nào thì chủ trương mua tạm trữ cà phê được hầu hết các doanh nghiệp và nông dân ủng hộ. Hy vọng rằng chủ trương đúng đắn này được triển khai hiệu quả, thiết thực nhằm ổn định giá, bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên.