Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp gỗ lúng túng
29 | 03 | 2010
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, sẽ có khoảng 300 DN gỗ trực tiếp XK sẽ bị ảnh hưởng bởi các đạo luật Lacey và Flegt. Mặc dù hai đạo luật này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới tình hình XK gỗ vào Mỹ và EU. Tuy nhiên các DN lại đang khá lúng trong việc thực thi các điều khoản.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cho biết, 2 tháng đầu năm nay ngành gỗ đã XK được 619 triệu USD, tăng 59% so với năm ngoái. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm, tiếp đó là EU, Ấn Độ, Trung Đông, Nga... Hằng năm, kim ngạch XK vào thị trường Mỹ khoảng hơn 1 tỷ USD, EU khoảng 600 triệu USD. Hai thị trường này chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch XK gỗ cả nước. Đến thời điểm này, đơn hàng ký XK gỗ của các DN đã được trên 2,5 tỷ USD, đây là những tín hiệu đáng mừng cho ngành gỗ XK.

Khó khăn cho DN

Đặc điểm chung của cả luật Flegt và Lacey đều đòi hỏi DN XK phải trình bày chuỗi hành trình của sản phẩm lâm sản, tất cả các khâu từ khai thác cho đến thành phẩm, một cách minh bạch để nhà chức trách Mỹ và EU có thể truy xét nguồn gốc nguyên liệu. Thế nhưng, nhiều DN XK gỗ cho biết, họ gặp khó khăn về thông tin, mặc dù  là những DN XK gỗ hàng đầu vào thị trường Mỹ nhưng họ vẫn chưa nhận được văn bản yêu cầu hoặc hướng dẫn cụ thể từ phía Mỹ. Hiện cũng có một số nhà nhập khẩu yêu cầu các DN XK gỗ có các chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc gỗ cũng như có sự hỗ trợ về mặt thông tin. Tuy nhiên, không phải nhà nhập khẩu nào cũng yêu cầu ngay, do vậy nhiều DN cảm thấy lúng túng.

Mặc dù các DN VN xưa nay vẫn được đánh giá là có tính nhanh nhạy trong kinh doanh. Tuy nhiên tính liên kết lại chưa cao nên sẽ gặp khó khăn không nhỏ trước việc Mỹ đưa ra đạo luật mới. Theo các chuyên gia, ở bối cảnh hiện nay, các DN cần nâng cao tinh thần liên kết, không chỉ trong sản xuất mà ngay cả trong việc ứng phó với các điều luật mới ở các thị trường, các DN nên  cùng nhau chia sẽ kinh nghiệm, phối hợp cùng với các cơ quan hữu quan hướng dẫn các DN thực thi đạo luật.

TS Lê Khắc Côi - cố vấn độc lập của Chương trình Flegt của EU tại Châu Á cho biết: VN có 2.500 DN chế biến và XK gỗ, trong đó 700 DN lớn. "Lâu nay khi XK vào thị trường Mỹ, DN phải có chứng chỉ COC (tiêu chuẩn về chuỗi hành trình sản xuất - PV). Khi đạo Luật Lacey có hiệu lực, những DN nào có COC tốt, sẽ ít bị ảnh hưởng. DN nào chưa có sẽ gặp khó khăn hơn. Hiện chỉ 190 DN VN có chứng chỉ COC" - TS Lê Khắc Côi nói.

DN phải tránh "bỏ trứng vào một giỏ"

Trước những khó khăn của ngành gỗ, các chuyên gia kinh tế cho rằng ngoài việc các DN cần phải tự hoàn thiện mình, nghiên cứu và thực thi nghiêm túc đạo luật nếu muốn tiếp tục XK vào Mỹ cũng như tránh được các vụ kiện đáng tiếc xáy ra. Không còn cách nào khác, DN cần phải tự nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và đa dạng hoá thị trường XK.

Theo TS Peter Koenig, thành viên Tổ tư vấn của Quốc hội Mỹ, về lâu dài, các DN cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu để tránh ngưng đọng hàng hoá một khi có "sự cố" xảy ra. Để làm được việc này, các DN cần có chiến lược đầu tư bài bản vào từng thị trường. Công tác kế toán, kiểm toán phải áp dụng khoa học theo chuẩn quốc tế nhằm minh bạch hoá hoạt động của DN là hết sức cần thiết trong tiến trình toàn cầu hoá nền kinh tế hiện nay.

Cùng quan điểm này, giám đốc một DN gỗ XK cho biết, các DN gỗ VN có thế mạnh về xuất đồ gỗ ngoài trời vào EU và Mỹ. Theo ông, để phát triển bền vững, không có cách nào khác là các DN xuất khẩu vào thị trường này phải chủ động sử dụng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng, có nguồn gốc minh bạch.

Thực tế hiện nay cho thấy, các DN Việt vẫn mắc phải căn bệnh "bỏ trứng vào một giỏ", tức là thị trường nào bán hàng tốt thì cứ "chăm chăm" đầu tư vào thị trường đó, nghiên cứu rất kỹ mẫu mã, nhu cầu, thị hiếu thị trường đó mà quên việc mở rộng thị trường. Theo các chuyên gia, điều này là rất nguy hiểm trong thương mại nếu gặp phải "sự cố" ở thị trường đó, chẳng hạn như các hàng rào kỹ thuật, các đạo luật mới, hay kiện chống bán phá giá... Theo các chuyên gia, vấn đề này cần phải được các DN  khắc phục càng sớm, càng tốt.



Theo InfoTV
Báo cáo phân tích thị trường