Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bình ổn phân bón theo hướng nào?
01 | 04 | 2010
Một số nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón thời gian gần đây đang tăng cao. Liệu có thể bình ổn được giá phân bón trong nước và bình ổn bằng cách nào?
Đây là nội dung DĐDN phỏng vấn ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón VN.

- Ông có thể đưa ra đôi nét về tình hình thị trường phân bón thế giới. Qua đó, giá phân bón trong nước đang gặp những bất lợi như thế nào ?

Trước tiên phải nói tới tình hình nguyên liệu nhập khẩu sản xuất phân bón. Trung Quốc vừa áp dụng mức thuế xuất khẩu từ 7 – 110% đến ngày 31/5/2010. Thêm vào đó, nguyên liệu sản xuất phân bón ở Mỹ, Bắc Phi và Nga... đang cạn như ammoniac, sulphur. Quặng và giá dầu tăng... đặc biệt axit phosphoric thiếu trầm trọng. Với tất cả những yếu tố bất lợi trên, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất phân bón đang bị đẩy lên.

Do khai thác nguyên liệu hạn chế, dự trữ thiếu hụt chưa từng có trong 5 năm trở lại đây nên đẩy ngành sản xuất phân bón thế giới vào khó khăn. Đã vậy, nhu cầu dùng phân bón của nhiều quốc gia thời gian gần đây lại tăng mạnh. Ấn Độ, Pakistan vào vụ Kharif đã tăng sử dụng phân bón lên 30 – 35%, Mỹ tăng nhu cầu lên 20 – 25%, Brazil tăng từ 6 – 8%...

Tình hình trong nước, ngoài việc nguyên liệu đầu vào nhập khẩu tăng giá, một số mặt hàng như như điện, xăng, dầu cũng tăng khiến giá phân bón khó có khả năng giữ nguyên giá. Việc được mùa lúa, giá xuất khẩu gạo cũng ở mức cao khiến nhu cầu dùng phân bón sẽ tăng hơn trước.

Riêng mặt hàng DAP sẽ tăng cao trong tháng 4, 5/2010 do tình hình thiếu sulphur khiến nhiều nhà máy tại Bắc Phí, Tunisie phải ngừng hoạt động. Tuy nhiên, đến tháng 6/2010, mặt hàng này sẽ cải thiện được giá vì Trung Quốc và Australia có hàng xuất và có thêm nhà máy mới ở Maden sản xuất thử nghiệm.

- Ngành phân bón đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ cũng đã có những chính sách hỗ trợ, thưa ông ?

Đúng vậy ! Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 497 ngày 17/4/2009 về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc vật tư phục vụ nông nghiệp. Tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2213 ngày 31/12/2009 sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 497 về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc vật tư nông nghiệp, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tình hình sản xuất và nhập khẩu phân bón trong nước năm 2009 đã có nhiều cải thiện đáng kể. Với hơn 3,5 triệu tấn phân bón nhập khẩu và gần 4,7 triệu tấn sản xuất trong nước, nhập khẩu phân bón năm 2009 so với năm 2008 giảm 17,4%. Giá một số mặt hàng như SA, DAP và Ure giảm từ 35,3 – 59,1%.

Phân bón chuẩn bị cho vụ Hè Thu (tính đến 30/3/2010) đã tương đối đủ. Phân Ure là 661.000 tấn, DAP là 130.000 tấn, SA là 150.000 tấn, Kali là 190.000 tấn, Super lân là 250.000 tấn, NPK là 1,3 triệu tấn... Tuy nhiên, điều mà các DN sản xuất phân bón băn khoăn là các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ chưa áp dụng đối với sản xuất. Các DN sản xuất phân bón vẫn rất mong Chính phủ hỗ trợ các DN về vốn vay, trong khuôn khổ cam kết của WTO.

- Bên cạnh việc kiến nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất, theo ông các DN sản xuất phân bón trong nước cần phát triển theo định hướng nào ?

Xu thế thế giới đang chuyển mạnh dùng phân bón hỗn hợp NPK chất lượng cao. Nhiều nước đã chuyển từ công nghệ chảo lăn, lò quay và công nghệ tạo hạt hơi nước sang công nghệ lò cao (tháp cao) và chuyển từ công nghệ lò cao sang công nghệ tạo hạt hợp lý hóa học. Những nước áp dụng mô hình công nghệ tiên tiến trên có Trung Quốc, Nhật Bản , Hàn Quốc...

Sản phẩm NPK từ công nghệ tiên tiến cho chất lượng cao, hợp lý hóa tối ưu đất và cây trồng, cho năng suất bội thu. Công nghệ tiên tiến này còn giảm được nhiều loại chi phí như kho bãi, vận chuyển, công lao động và đặc biệt bảo vệ được môi trường tốt hơn.

Một xu thế khác cũng đang rất thịnh hành trên thế giới đó là sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh. Ngoài vấn đề thân thiện môi trường, nguyên liệu của các loại phân này cũng rất sẵn trong nước. Hiện nay, chúng ta đã có một số DN phát triển sản xuất các loại phân hữu cơ và vi sinh như Cty CP Komix Thiên Sinh, Cty CP Sông Gianh, Cty Quế Lâm... Tuy nhiên, tiềm năng sản xuất phân này vẫn còn rất lớn.

- Tình hình kiểm soát nạn phân bón giả thời gian vừa qua có gì chuyển biến không, thưa ông ?

Do có sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng, phân bón giả, phân kém chất lượng năm 2009 đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn phát hiện những vụ sản xuất phân bón giả với số lượng lớn như làm phân kali giả lấy thương hiệu Cty XNK Hà Anh ở Thanh Hóa, làm phân kali giả lấy thương hiệu Cty TSC ở Cần Thơ...

Để hạn chế tình trạng này, Hiệp hội phân bón kiến nghị các cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm minh và dứt điểm để răn đe. Một số vụ án lớn như vụ Cty CP TM Tân Trường Sinh, vụ HTX Bắc Băng Vương Hải Dương đã kéo dài hàng năm trời vẫn bị “đắp chiếu” khiến dư luận bất bình.

Bình ổn giá phân bón là một vấn đề lớn liên quan đến đời sống dân sinh của hàng triệu bà con và sự phát triển của hàng ngàn DN. Chính vì vậy, Hiệp hội phân bón VN rất kỳ vọng vào sự quan tâm hỗ trợ tích cực từ Chính phủ. Theo lộ trình, giá cả các mặt hàng sẽ tuân theo quy luật thị trường. Xăng, dầu, điện, than, cước vận chuyển, công lao động... đã được điều chỉnh tăng phù hợp quy luật thị trường. Giá phân bón có thể sẽ được điều chỉnh tăng, nhưng tăng ở mức hợp lý ? Câu trả lời sẽ được đưa ra chính thức vào đầu tháng 4/2010, khi ngành phân bón và các bộ, ngành liên quan sẽ họp bàn để đưa ra định hướng phát triển.

- Xin cảm ơn ông !



Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường