Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủy sản: Khát nguyên liệu
09 | 04 | 2010
Cùng với tín hiệu vui về đầu ra của thị trường xuất khẩu, ngành chế biến xuất khẩu thủy sản đang phải đối mặt với “cơn khát” nguyên liệu dữ dội.

“Vắt chân lên cổ” tìm nguyên liệu

Phó Tổng giám đốc Cty Chế biến xuất nhập khẩu Thủy sản Bà Rịa Vũng Tàu (Baseafood) kiêm Giám đốc Xí nghiệp Chế biến thủy sản xuất khẩu 1 (XN1), ông Huỳnh Minh Tường cho biết bình quân mỗi năm, Cty Baseafood cần 20-25 ngàn tấn thủy sản nguyên liệu, trong khi đó nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 70%.

“Mấy năm trước đây chúng tôi chạy đôn đáo khắp các địa phương để mua nguyên liệu” - ông Tường nói. Tuy nhiên, theo ông Tường, nguyên liệu thủy sản đánh bắt không thể tăng lên, thậm chí ngày càng ít đi nên Baseafood cũng như nhiều doanh nghiệp (DN) khác phải chuyển sang nhập khẩu từ các nước. Mặc dù vậy, nhiều đơn vị vẫn luôn luôn “đói” nguyên liệu, nhất là những DN làm hàng chế biến thô.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tình trạng thiếu nguyên liệu có thể kéo dài từ đây đến hết năm 2010, nhất là với một số loại thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cá tra...

Sự khan hiếm không chỉ với thủy sản đánh bắt mà cả với thủy sản nuôi trồng. Nguyên nhân, cũng theo Vasep, do giá nguyên liệu thủy sản tăng cao trong thời gian gần đây khiến các hộ nuôi đẩy mạnh thu hoạch.

Thêm vào đó, tại một số nơi, người dân có xu hướng chuyển đổi sang nuôi một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn khiến nguồn nguyên liệu nuôi như tôm, basa... cũng giảm sút mạnh.

Cà Mau là một ví dụ. Theo một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh này, cũng vì thiếu tôm nguyên liệu nên hiện các nhà máy chế biến thủy sản tại địa phương chỉ hoạt động được khoảng 50% công suất, trong đó 14/26 DN chế biến đã phải giảm sản xuất, thậm chí cho công nhân tạm nghỉ.

Trong khi đó tại An Giang, cả tỉnh có 23 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, hầu hết chỉ hoạt động 50-60% công suất thiết kế. Lý do, có đến 30 - 40, thậm chí 60% ao hầm nuôi cá bị bỏ trống vì người nuôi liên tục bị thua lỗ, không còn vốn tái đầu tư.

Chuyển hướng kinh doanh

Nhập khẩu nguyên liệu từ các nước là giải pháp phổ biến của rất nhiều DN trong điều kiện thiếu nguyên liệu trầm trọng. Tuy nhiên, theo nhiều DN, việc nhập khẩu sẽ có nhiều hạn chế như mức độ phụ thuộc vào nước ngoài lớn, chi phí tăng cao trong khi giá bán khó tăng tương ứng. Trong khi đó, việc cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt.

Theo một Cty chế biến thủy sản ở TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), khó khăn của các DN Việt Nam là đều phải cạnh tranh giá bán với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan, một đối thủ cạnh tranh với ngành xuất khẩu thủy sản đánh bắt của Việt Nam tại hai thị trường châu Âu và Nhật Bản, nhất là các mặt hàng như bạch tuộc, mực, cá thu, cá ngừ...

Ông Huỳnh Minh Tường cho biết, trước tình hình khan hiếm nguyên liệu, Cty Baseafood đã chuyển hướng chiến lược trong sản xuất kinh doanh và đồng thời thực hiện một số giải giáp cơ bản như: đầu tư và làm những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tức làm hàng tinh chế, để giảm lượng nguyên liệu nhưng vẫn đảm bảo doanh thu và lợi nhuận; xây dựng hệ thống kho lạnh để trữ nguyên liệu thu mua trong những lúc dồi dào; tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài; chuyển dịch cơ cấu từ sử dụng nguyên liệu đánh bắt (biển) sang nguyên liệu nuôi trồng.

Hiện việc sử dụng nguyên liệu nuôi trồng của XN1 chiếm khoảng 10% và sẽ nâng lên 30% vào thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông Tường: “Tất cả những biện pháp này chỉ có ý nghĩa khi DN làm hàng tinh chế”.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường