Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp-nông thôn (NN-NT). Theo đó, từ ngày 1-6, cá nhân, hộ sản xuất ở nông thôn có thể được xem xét cho vay tín chấp tối đa đến 50 triệu đồng.
Chủ trang trại được vay tối đa 500 triệu đồng
Với hình thức tín chấp, hộ kinh doanh sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ NN-NT được vay vốn tối đa đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng. Về thời hạn cho vay, căn cứ vào thời gian luân chuyển vốn, khả năng hoàn vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng, bên cho vay và bên vay thỏa thuận thời hạn vay vốn. Trường hợp nông dân gặp thiên tai, dịch bệnh..., chưa trả được nợ đúng hạn thì ngân hàng (NH) được xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ cho bên vay; đồng thời căn cứ dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng để xem xét cho vay mới. Nếu thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, NH được thực hiện khoanh nợ tối đa 2 năm, không tính lãi cho người vay tại thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh được địa phương công bố.
Từ 1-6, nông dân được vay tín chấp tối đa đến 50 triệu đồng. Ảnh: NGỌC TRINH
Bảo đảm không thiếu vốn
Lãnh đạo nhiều NH cho biết sẽ xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định hiện hành. Đồng thời, các NH sẽ quy định rõ mức cho vay, điều kiện và thủ tục cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với từng đối tượng khách hàng. Về cho vay có tài sản thế chấp, bên vay phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc được UBND cấp xã xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp.
Theo ông Vũ Minh Tân, Phó Tổng Giám đốc NH NN-PTNT (Agribank), khu vực NN-NT chiếm đến 70% thị phần của Agribank nên bảo đảm không thiếu vốn cho khu vực này. Hiện Agribank đã bổ sung 30.000 tỉ đồng phục vụ nhu cầu vay vốn của các cá nhân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp. “Trong thời gian tới, Agribank sẽ cụ thể hóa điều kiện vay vốn, lãi suất... đối với nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp”- ông Tân cho biết. Số liệu của NH Nhà nước tỉnh Sóc Trăng cũng cho thấy quý I/2010, cho vay phát triển NN-NT chiếm 72% tổng dư nợ cho vay là 10.440 tỉ đồng. Phó Tổng Giám đốc NH Đại Tín (Trust Bank) Đỗ Hoàng Linh cho biết Trust Bank đang xây dựng chương trình cho vay NN-NT, dự kiến công bố trong vài ngày tới.
Nông dân rất cần vốn để sản xuất. Trong ảnh: Nông dân trồng rau sạch ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: Ngọc Trinh
Đơn giản tối đa thủ tục
Ông Tạ Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NH Nhà nước), cho biết sẽ sớm ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện cho vay đối với lĩnh vực NN-NT theo quy định tại Nghị định 41. Về nguyên tắc, đây là các khoản cho vay tín chấp, hồ sơ giải quyết theo thủ tục thông thường, NH tạo điều kiện cho nhu cầu vay vốn nhưng các dự án vay vốn phải bảo đảm kinh doanh có hiệu quả.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, NN-NT là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước chú trọng phát triển. Nhu cầu vốn phát triển kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng của khu vực này rất lớn nhưng khả năng đáp ứng hạn chế, cần chia sẻ vốn từ các tổ chức tín dụng, trong đó chủ lực là các NH thương mại. Nghị định này đã bổ sung các chính sách để nông dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng NH thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt những điều kiện cứng nhắc trước đây. “Bên cạnh việc được tiếp cận vốn thuận lợi, cần xem xét rộng hơn sao cho lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Lĩnh vực công nghiệp, thương mại có thể tồn tại được với lãi suất 14%-15% nhưng hộ nông dân thì không dễ”- bà Mùi nhận định.
8 lĩnh vực cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn Đó là cho vay sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; phát triển ngành nghề tại nông thôn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn; cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ.
|