Mục đích của họ chỉ là bán được sản phẩm mình làm ra rồi sẽ mua hàng Việt Nam tại chợ.
Bán sản phẩm nhà, mua hàng Việt Nam
Chị Nguyễn Thị Bé, chuyên làm nghề dệt chiếu cói ở Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) cho biết: “Sản phẩm chiếu cói gia đình tôi làm ra tuy chưa nhiều nhưng người mua rất ưa chuộng. Cứ đến phiên chợ đầu mối ở Gò Bồi (phiên chợ đầu mối mua bán sản phẩm làng nghề của các huyện vùng ven được tổ chức ở Phước Hòa – Tuy Phước 5 ngày một phiên – PV) gần như cả làng chiếu chúng tôi thức dậy lúc nửa đêm để mang sản phẩm đi bán”.
Cũng theo chị Bé, vừa rồi Phiên chợ hàng Việt tổ chức tại chợ Gò Bồi 2 ngày, chiếu cói của chị bán ra được 650 ngàn đồng, chị dành mua một số sản phẩm bày bán trong phiên chợ.
Chị Bé tấm tắc: “Phiên chợ hàng Việt, sản phẩm vừa nhiều lại chất lượng, đủ mẫu mã chủng loại, muốn mua gì cũng có. Giá như nó được tổ chức thường xuyên hơn”.
Theo Sở Công Thương Bình Định, đến nay, tỉnh đã hỗ trợ nhiều tỷ đồng cho công tác khuyến công giúp người dân các làng nghề có điều kiện phát triển nghề, nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, nhiều làng nghề trong tỉnh đã phát triển khá như làng chiếu cói ở Hoài Châu Bắc, dệt thảm xơ dừa Tam Quan Nam (Hoài Nhơn); làm nhang, nón ngựa xã Cát Tường (Phù Cát); làng nấu rượu Bàu Đá Nhơn Lộc, tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu, làm bún Song Thằn ở Nhơn Phúc (An Nhơn)…
Cần một lối đi
Tuy nhiên, cái khó nhất mà các làng nghề gặp phải vẫn là tạo dựng thương hiệu. Nhang hay nón ngựa được làm từ chính tay của những người thợ ở Cát Tường nhưng khi tiêu thụ tại TP HCM, Huế... lại mang một nhãn hiệu khác.
Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một cơ sở sản xuất nón ở Cát Tường (Phù Cát), trăn trở: “Do sản xuất theo đơn đặt hàng của khách nên ở mỗi nơi, mỗi thời điểm khác nhau dù cùng một sản phẩm làm ra nhưng lại có những tên tuổi, nhãn mác khác nhau. Điều mong mỏi của bà con là làm sao có thương hiệu chung cho địa phương là thiết thực nhất”.
Vậy nhưng, nếu không làm theo nhu cầu của thị trường, các làng nghề khó mà trụ nổi. Bởi không sản xuất thì không có tiền để trang trải hằng ngày. Để có đồng ra đồng vào lo cho cuộc sống thì các hộ làm nghề buộc phải sản xuất theo đơn đặt hàng của khách. Chính cái vòng luẩn quẩn này làm cho các làng nghề không thể làm ra sản phẩm mang thương hiệu của mình.