Nông dân bất lợiTại Hội nghị đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ cà phê niên vụ 2009/2010 hôm qua, ông Lê Xuân, Cục trưởng Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: Bộ đã chỉ định 13 doanh nghiệp thu mua dự trữ cà phê. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đảm bảo đủ vốn để doanh nghiệp thu mua.
Tuy nhiên, đến nay gần như các doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn. Hiện còn khoảng 15 - 20% lượng cà phê tồn trong dân. Ông Xuân cho hay, chính sách mua tạm trữ hơi muộn so với vụ thu hoạch cà phê.
Người xưa có câu trăm người bán vạn người mua, nhưng đối với cà phê hiện nay thì ngược lại, trăm người mua vạn người bán - Ông Lê Xuân |
Thực tế, sự chậm trễ của chính sách khiến nông dân không được hưởng lợi. Ông Nguyễn Đức Luyện, Giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Nông cho rằng, chính sách mua tạm trữ đưa ra giữa tháng 4 là quá muộn.
Thu hoạch cà phê chính vụ vào dịp trước Tết, nên sau khi thu hoạch, dân phải bán cà phê để ăn Tết, lấy tiền trả nợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ra Tết, dân lại bán đợt nữa và gần như cà phê trong dân đã sạch.
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca Cao Việt Nam cũng cho rằng, phần lớn những hộ dân khó khăn về tài chính đều bán hết cà phê để trả nợ, phần nữa dân ký gửi.
Chèn nhau
Hiện số lượng các doanh nghiệp mua cà phê quá nhiều, bát nháo khiến cà phê Việt Nam thua thiệt ngay trên sân nhà. Ông Lê Xuân nói: “Người xưa có câu trăm người bán vạn người mua, nhưng đối với cà phê hiện nay thì ngược lại, trăm người mua vạn người bán.
Ở đây, khâu tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê của ta trăm hoa đua nở, người người, nhà nhà làm kinh doanh, chế biến cà phê dẫn tới việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, để người ngoài ép giá, tự làm hại nhau”.
Ở khía cạnh khác, ông Đỗ Văn Nam, Tổng GĐ Tổng Cty Cà phê Việt Nam cho rằng, Việt Nam xuất khẩu tới 95% là cà phê nhân, và các doanh nghiệp giao dịch qua giá ở sàn giao dịch London và New York. Giá bán được trừ lùi theo kỳ hạn.
Chẳng hạn, giá ở London ở tháng 7 là 1.400 USD/tấn, sau đó, giá cà phê của doanh nghiệp Việt Nam sẽ trừ lùi 50 USD/tấn, gọi là phí an toàn cho đối tác. Tuy từ mức độ uy tín doanh nghiệp xuất khẩu mà mức trừ có thể 40, 50 USD/tấn hoặc hơn. Tuy nhiên, giá London phụ thuộc các nhà đầu cơ, nên chúng ta hoàn toàn bị động.
Ông Nam khuyến cáo nên hạn chế bán theo hình thức trừ lùi, mà nên trực tiếp, tiền trao cháo múc; hoặc bán trừ lùi ngắn hạn, chẳng hạn chán bán tháng 3, thì chọn giá tháng 5, bán tháng 5 nên chọn giá tháng 7… hạn chế rủi ro.
Ông Nam cũng cho rằng, sàn giao dịch cà phê của Việt Nam mở ở Đăk Lăk, thực tế là cái chợ, hiệu quả thấp. Theo ông Nam, để đảm bảo chất lượng, an toàn trong kinh doanh cà phê, nên khuyến khích các doanh nghiệp, kể các doanh nghiệp nước ngoài vào sàn, vì đây là nơi công khai, minh bạch.
Theo Bộ NN&PTNT, quý I năm 2010 xuất khẩu gần 200.000 tấn cà phê, đạt gần 420 triệu USD. Tính nửa đầu niên vụ 2009/2010, khối lượng xuất khẩu trên 540.000 tấn, đạt gần 770 triệu USD. Dự kiến tháng 4-2010, xuất khẩu trên 130.000 tấn, đạt 174 triệu USD; cả số lượng và giá trị đều giảm so với cùng kỳ niên vụ trước. |