Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá thịt cao có chắc an toàn?
18 | 05 | 2010
Mấy ngày gần đây, người tiêu dùng thay vì thường mua thịt tại chợ lẻ đã tìm đến các điểm bán có nguồn gốc rõ ràng như siêu thị, cửa hàng.

Mấy ngày gần đây, người tiêu dùng thay vì thường mua thịt tại chợ lẻ đã tìm đến các điểm bán có nguồn gốc rõ ràng như siêu thị, cửa hàng.

Đại diện Vissan, đơn vị cung cấp trung bình mỗi ngày 2.000 – 2.500 đầu heo, chiếm khoảng 1/5 thị phần tại TP.HCM cho hay, sức tiêu thụ thịt heo trong siêu thị, cửa hàng tăng 10 – 15%, còn ở chợ thì giảm mạnh. Co.opmart, Big C cũng thống kê tiêu thụ thịt heo tăng lên đáng kể so với trước khi có thông tin dịch bệnh heo tai xanh.

Nhu cầu mua thịt có nguồn gốc tăng cao khiến giá mặt hàng này tại siêu thị, cửa hàng vẫn giữ nguyên so với trước, bất chấp giá tại chợ lẻ và trại nuôi giảm mạnh. Theo khảo sát, giá heo hơi tại miền Đông chỉ còn 30.000 – 32.000 đồng/kg, giảm 4.000 – 5.000 đồng. Thịt heo bán lẻ ở chợ 55.000 – 65.000 đồng/kg, nhưng giá thịt heo của Vissan bán trong hệ thống Co.opmart, cửa hàng vẫn duy trì ở mức 70.000 – 75.000 đồng/kg, có loại trên 80.000 đồng/kg như sườn non.

Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc công ty Vissan cho rằng, thịt heo của Vissan bán trong siêu thị, cửa hàng thường cao hơn ít nhất 14% so với chợ lẻ là do khác nhau về nguồn gốc, công nghệ giết mổ, mức độ kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm… Và miếng thịt bán trong siêu thị còn phải chịu thuế VAT, tốn tiền điện bảo quản bằng tủ đông, tiền chiết khấu cho nhà phân phối, trong khi ở chợ lẻ thì không chịu nhiều chi phí như vậy.

TP.HCM tiêu thụ trung bình trên 11.000 con heo/ngày. Mặc dù công bố kiểm soát nguồn gốc heo bán trên thị trường, nhưng thực tế một số đơn vị chiếm thị phần lớn hiện nay chỉ có trong tay trang trại quy mô vài ngàn đầu heo. Còn lại, họ vẫn phải mua từ các trang trại bên ngoài. Trong khi đó, theo chi cục Thú y TP.HCM, giấy kiểm dịch giám sát nguồn heo đưa về thành phố tiêu thụ mới chỉ quản lý đến cấp quận, huyện, còn xã, phường, thôn ấp thì chưa có. Chính vì vậy, thời gian qua cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều mẫu thịt heo bán trên thị trường nhiễm clenbuterol, chất làm tăng trọng lượng heo nhưng có thể gây ung thư cho người sử dụng.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh chi phí giá thành chăn nuôi tăng cao, giá bán sản phẩm thấp khiến người chăn nuôi vẫn tìm lợi nhuận từ việc sử dụng các chất tăng trưởng cấm thì nguồn heo từ các trang trại mà doanh nghiệp mua về giết mổ chưa chắc an toàn tuyệt đối. Do đó, miếng thịt đến tay người tiêu dùng chỉ thật sự “sạch từ trang trại đến bàn ăn” khi nó được chính các doanh nghiệp đứng ra tổ chức chăn nuôi, tổ chức giết mổ và coi đó như là trách nhiệm với người sử dụng.

Ông Văn Đức Mười cho hay, đơn vị này đã đầu tư trang trại quy mô 12.000 con tại Bình Dương theo mô hình chăn nuôi khép kín nhằm có nguồn thịt ổn định, giá bình ổn, an toàn dịch bệnh cung cấp cho người tiêu dùng.



Theo SGTT Online
Báo cáo phân tích thị trường