Tại 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh (Gia Lai) - thủ phủ của thương hiệu Hồ tiêu Chư Sê đang “nóng” lên từng ngày bởi cảnh thu mua tiêu cuối vụ diễn ra rầm rộ sau khi giá được đẩy lên 60.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Phước Bính, Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết: “Giá hồ tiêu tăng cao, tăng nhanh nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, sản lượng hồ tiêu năm nay giảm (hồ tiêu Chư Sê giảm từ 30% - 35%, sản lượng thu được khoảng 12.000 tấn) do mất mùa. Riêng năm nay thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh nên đẩy giá lên cao. Đầu mùa giá khoảng 53.000 - 54.000 đồng/kg nhưng do tiêu Chư Sê chất lượng cao hơn hẳn nhiều vùng khác nên được thu mua với giá 60.000 đồng/kg”.
Vui nhất là những hộ gia đình “ghim hàng” chờ đến khi được giá cao mới bán. Ông Huỳnh Thẩm thị trấn Nhơn Hòa, Chư Pưh, cho biết: “Sau khi bán hết hơn 8 tấn tiêu cùng một lúc với giá 60.000 đồng/kg (gần 500 triệu đồng) coi như đã kết thúc một mùa tiêu thắng lợi. Giữ nhiều tiêu chờ đến nay mới bán cũng thấy sợ nhưng tôi không thiếu vốn nên khi trữ tiêu thấy an tâm hơn. Việc lưu kho chờ giá lên có ít người dân ở đây làm được”.
Theo đánh giá chung của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng hồ tiêu năm 2010 của cả nước trung bình giảm khoảng 10%, riêng tại Bình Phước dự báo giảm từ 30 - 40%. Đây là lý do khiến giá hồ tiêu tăng mạnh. Ông Bính nhận định, việc tăng giá tiêu có tác động lớn đến các hộ nông dân trồng tiêu. Với giá như hiện nay, lợi nhuận mà người dân thu được là trên 50%.
Nỗi buồn người bán… hớ
Giá hồ tiêu tăng cao rơi vào cuối vụ nên nhiều hộ nông dân trồng tiêu rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Nhiều gia đình có tiêu bán với hai giá cách biệt, bán đầu vụ giá trên dưới 40.000 đồng/kg nhưng đến cuối vụ như hiện nay giá 60.000 đồng/kg.
|
Thu hoạch tiêu ở Chư Sê. |
Ông Lê Quý Thái, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, bộc bạch: “Năm nay tôi thu được khoảng 2,5 tấn tiêu khô, giảm sản lượng đã đành, lại bán bị hớ gần chục giá. Bây giờ giá lên 60.000 đồng/kg thấy người ta bán tiêu mình nghẹn lòng. Đổ bao mồ hôi, chỉ tiếc mình không có vốn nên đành bán sớm”.
Bà Lê Thị Thu Sương tâm sự: “Năm vừa rồi tiêu tôi bị chết hơn 200 gốc, gia đình đành bỏ ra hơn 20 triệu đồng để thay trụ tiêu mới. Do cơn bão năm ngoái, gần 1.500 trụ tiêu năm nay chỉ thu được khoảng 3,5 tấn. Lo chi phí cho gia đình nên bán sớm, mất từ 5 đến 10 giá, tiếc quá”.
Hồ tiêu tăng giá khiến cho một số đại lý thu mua hám lợi, quỵt nợ của người dân. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, hàng chục hộ dân huyện Chư Pưh lâm vào cảnh lao đao, nợ nần chồng chất khi hay tin bà Lê Thị Lệ trú ở thị trấn Nhơn Hòa, Chư Pưh tuyên bố vỡ nợ.
Chị Lê Thị Cẩm (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa) đứng ngồi không yên vì số tiền quá lớn bỗng dưng mất trắng, nước mắt ngắn dài, kể: “Hơn một tuần trước, tôi mua ký gửi 17 tấn tiêu với giá 49,2 triệu đồng/tấn, tổng cộng hơn 836 triệu đồng đã giao đủ cho bà Lệ. Cùng thời điểm đó bà Lệ còn vay của tôi thêm 540 triệu đồng nói để trả ngân hàng. Đến bây giờ bà ấy bảo không có khả năng chi trả, tôi lâm vào cảnh cùng đường.”.