Nhiều trang trại nuôi lợn lo ngại dịch sẽ diễn biến phức tạp, thịt lợn ngày càng khó tiêu thụ nên cũng đang tranh thủ bán hết cả đàn mặc dù chưa đến thời điểm xuất chuồng. Chính vì nguyên nhân đó mà nguồn cung thịt lợn đang tăng lên khá mạnh. Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều chủ trại, doanh nghiệp và chuyên gia về thị trường thịt, nhiều khả năng trong thời gian tới nguồn cung thịt lợn sẽ trở nên khan hiếm.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá lợn hơi trong thời gian qua đã giảm khá mạnh: Trước khi có dịch tai xanh ngoài Bắc, giá lợn hơi ở mức 35.000-36.000 đ/kg, hiện giờ đã giảm xuống còn khoảng 30.000-32.000 đ/kg (giảm 3.000-4.000 đ/kg). Giá lợn hơi ở các trại nuôi lớn tuy có khá hơn (hiện khoảng 35.000 đ/kg), nhưng cũng đã giảm nhiều so với trước. Nguyên nhân giảm giá lợn hơi do người dân e ngại thịt lợn mắc bệnh tai xanh, hạn chế ăn thịt lơn mà chuyển sang ăn các loại thịt khác, đồ thuỷ sản hoặc vào siêu thị mua thịt lợn.
Tại Hà Nội giá thịt lợn những ngày qua giảm từ 10.000-15.000 đồng/kg. Đặc biệt, lợn hơi rất khó tiêu thụ, tư thương ép giá từ 35.000 đồng/kg giảm còn 25.000-28.000 đồng/kg (đối với vùng không dịch) hoặc chỉ còn 22.000 đồng (đối với khu vực gần vùng dịch). Hiện tại, thịt lợn thăn giảm còn 70.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 50.000 đồng/kg, thịt mông sấn và nạc vai 60.000 đồng/kg....
Trái với mức giảm giá của thịt lợn, các loại thực phẩm khác như gia cầm, thủy hải sản lại tăng đáng kể. Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy giá thịt bò, thịt bê tăng thêm 12.000-15.000đ/kg, thịt gia cầm tăng 10.000-15.000đ/kg... cụ thể: thịt bò thăn 150.000 đồng/kg, thịt bò mông 140.000 đồng/kg, thịt bê 120.000 đồng/kg, gà ta sống 100.000 đồng/kg, gà ta nguyên con làm sẵn 130.000 đồng/kg. Điều này làm cho người tiêu dùng phải tốn kém hơn cho bữa ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất hiện nay là sự tăng giá tuỳ tiện trong mùa dịch, vì từ trước đến nay tình trạng dễ tăng, khó giảm trên thị trường vẫn tồn tại. Dù có đưa ra cả ngàn lý do để biện minh thì thực tế không thể phủ nhận là các tiểu thương đang hưởng lợi khi cố tình tăng giá khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt. Về mặt quản lý, các chuyên gia cho rằng, chế tài chưa tạo được áp lực với doanh nghiệp chính là nguyên nhân căn bản khiến giá cả các mặt hàng nói trên leo thang.
Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng khuyến cáo, các loại thực phẩm thay thế tăng giá đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều người tiêu dùng. Để không bị "bão giá" tấn công, người tiêu dùng nên mua thực phẩm tươi sống với số lượng ít hơn, ăn thêm các món chay như đậu phụ, thịt lợn chay, cá chay... bán sẵn tại các siêu thị. Hy vọng rằng dịch tai xanh sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi và thịt lợn sẽ sớm trở lại với thực đơn của các gia đình.