Hàng năm Kenya cần nhập khẩu lượng gạo lên đến 200.000 tấn nhưng thường thì doanh nghiệp Pakistan trúng thầu vì được hưởng ưu đãi của Kenya thuế suất 35%, trong khi các quốc gia khác chịu thuế suất 75%. Trong tháng 6 vừa qua Kenya không thể mua đủ gạo từ Pakistan nên hạ thuế nhập khẩu còn 35%, nhờ vậy, Inmex Cuulong mới bán được gạo.
Câu chuyện từ Inmex Cuulong cho biết, Việt Nam đã không còn nắm thế chi phối ở thị trường gạo cấp thấp, giá rẻ như ba năm trước đây nữa. Nếu như từ năm 2007 trở về trước, các quốc gia nghèo như châu Phi, Philippines, Iraq, Cuba, thậm chí cả Malaysia, Indonesia khi muốn mua gạo thì Việt Nam thường là địa chỉ được họ tìm đến đầu tiên, vì có nguồn gạo trắng cấp thấp lớn nhất, giá rẻ. Tuy nhiên, từ năm 2008 trở lại đây, Việt Nam không còn ở vị thế độc quyền cung cấp gạo cấp thấp, giá rẻ nữa.
“Nhà nhập khẩu có thể lựa chọn mua gạo từ Pakistan, Mianmar, kể cả Thái Lan cũng bắt đầu bán gạo giá rẻ”, ông Lê Tuấn cho hay. Khi thị trường có thêm nhiều nhà cung cấp, theo ông, miếng bánh sẽ bị chia nhỏ.
Ở thời điểm hiện nay, nhà nhập khẩu châu Phi nếu mua gạo 5% tấm từ Pakistan sẽ rẻ hơn Việt Nam 10 – 15 USD/tấn và tiết kiệm thêm 15 USD cước phí vận chuyển. Còn Mianmar mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo cách đây năm năm nhưng năm 2009, quốc gia này xuất khẩu tới 4 triệu tấn gạo cùng chủng loại với Việt Nam, tăng 150% so với 2008. Còn năm nay, dự kiến họ có thể xuất 4,5 triệu tấn, chỉ kém Việt Nam khoảng 1,5 triệu tấn.
Không chỉ có việc bán gạo thương mại gặp cạnh tranh, mà ngay cả những hợp đồng cấp chính phủ, vốn được coi là “mối ruột” cũng bắt đầu bị cạnh tranh. Trước đây, thị trường Philippines nhập khẩu trung bình mỗi năm trên dưới 2 triệu tấn gạo, doanh nghiệp Việt Nam thường dành phần thắng trong các cuộc đấu thầu do có lợi thế giá rẻ, cộng thêm quan hệ thương mại tốt với họ.
Tuy nhiên, trong lần mở thầu nhập khẩu gần 2 triệu tấn gạo hồi cuối 2009, “miếng bánh” ngon này đã bị chia cho cả Thái Lan và nhiều tập đoàn cung cấp gạo khác trên thế giới. Tương tự là trường hợp của Malaysia hay Indonesia. Trước 2007, trung bình hai quốc gia này nhập khẩu khoảng 200 – 500 ngàn tấn gạo, đa phần họ mua của Việt Nam theo hợp đồng cấp Chính phủ. Nhưng từ 2008 trở lại đây, số gạo này đã rơi vào tay doanh nghiệp Thái, Pakistan, Mianmar, Ấn Độ, Trung Quốc. Việt Nam thậm chí không còn bán được ký gạo nào.
Như vậy, sau nhiều năm bị phê phán là không có những nỗ lực đủ để thâm nhập thị trường gạo phẩm cấp cao, và phải bán gạo với giá thấp, nay Việt Nam lại đối mặt với nguy cơ bị cạnh tranh ở ngay phân khúc gạo cấp thấp của mình.