Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá lúa rớt tận đáy
07 | 07 | 2010
Tại Kiên Giang, nhiều nơi bán lúa tươi chỉ 2.700 đồng/kg, lúa khô 3.200 – 3.300 đồng/kg; tại An Giang, giá lúa chỉ 3.400 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất nhiều địa phương công bố

Thời điểm này, nhiều tỉnh ở ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu 2010 nhưng gặp mưa lớn kéo dài làm hao hụt, giảm chất lượng gạo và chi phí tăng cao do phải phơi sấy. Trong khi giá lúa lại tụt dốc không phanh, nay đã rớt tận đáy khiến nông dân lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần.

Giá thu mua thấp hơn giá thành

Thông tin từ Viện Lúa ĐBSCL cho biết từ giữa tháng 6 đến nay, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu với diện tích lên đến hàng trăm ngàn hecta. Song, điều khiến nông dân ở vựa lúa lớn nhất cả nước đang cay đắng chịu đựng không phải là cảnh “được mùa rớt giá” mà “thất mùa vẫn rớt giá”.

Vụ hè thu 2010, tỉnh Kiên Giang xuống giống hơn 200.000 ha và hiện các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Giồng Riềng, Giang Thành đã thu hoạch được hơn 30.000 ha, năng suất trung bình chỉ khoảng 4 tấn/ha. Nhiều nông dân cho biết do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài khiến lúa bị đổ ngã, gây hư hại bông khiến hạt bị lem lép và làm giá thuê nhân công cắt tăng cao.

Ông Lê Tiến Lên (ngụ huyện Giang Thành-Kiên Giang) nói như khóc: “Chục công đất này thu hoạch không biết được bao nhiêu lúa chứ chỉ riêng tiền nhân công cắt đã hết 3,5 triệu đồng (350.000 đồng/công). Lúa ngã còn bị ngập nước thế này máy gặt đập liên hợp cũng phải bó tay dù giá rẻ (chỉ 200.000 đồng/công). Chi phí tăng chóng mặt, nếu phá huề được là phước trời cho, chứ tôi thấy cầm chắc lỗ trong tay”.

Theo bà Mai Thảo (ngụ xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành-Kiên Giang), giá lúa tươi bán tại ruộng chỉ 2.700 đồng/kg, còn giá lúa khô cũng chỉ 3.200 – 3.300 đồng/kg. “Nhưng không phải ai cần cũng bán được, hên thì ngồi đợi cả buổi mới nài nỉ được một thương lái tới coi. Thiệt khổ hết sức, mình làm ra lúa mà muốn bán quá đỗi khó khăn” - bà Thảo chua chát nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn-An Giang) than thở: “Tôi nghe nói giá thành sản xuất lúa vụ hè thu ở tỉnh công bố cỡ 3.800 đồng/kg nhưng giá thu mua chỉ 3.400 đồng/kg thì làm sao nông dân sống nổi. Cả mấy chục năm làm ruộng tôi mới thấy nông dân khốn khó như thế này. Giá bán còn thấp hơn giá thành sản xuất thì làm sao nông dân bám ruộng”.

Doanh nghiệp cù cưa mua tạm trữ

Thảm cảnh rớt giá trong mùa lúa thu hoạch rộ không phải là chuyện lạ đối với người trồng lúa ở miền Tây, song lý giải của ngành chức năng và các doanh nghiệp (DN) cũng không hề mới mẻ. DN đổ lỗi cho nông dân không nghe theo khuyến cáo của họ và Bộ NN-PTNT hạn chế gieo sạ giống lúa IR50404. Trong khi theo nông dân, hiện vẫn chưa có giống lúa mới thay thế hiệu quả giống IR50404 vì khả năng kháng sâu bệnh, năng suất cao, còn lúa chất lượng cao thì năng suất quá thấp nhưng giá bán chẳng cao hơn là bao. Bà Lê Thị Đức (ngụ xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn) khẳng định vùng đất ở đây do bị ảnh hưởng phèn mặn nên đến bây giờ vẫn không thể trồng được giống lúa nào ngoài IR50404. “Bất khả kháng chúng tôi phải trồng IR50404 chứ không phải là bất chấp khuyến cáo” - bà Đức nói.

Trước tình cảnh khó khăn trong vụ hè thu năm nay, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thu mua tạm trữ ngay 1 triệu tấn gạo để bảo đảm nông dân đạt lợi nhuận 30%; đồng thời hỗ trợ 100% lãi suất cho DN trong 4 tháng. Tuy nhiên, nhiều DN kinh doanh lúa gạo cho rằng điều này rất khó và vẫn chưa triển khai thu mua.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định việc Chính phủ chỉ đạo VFA thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ và hỗ trợ 100% lãi suất cho DN là chủ trương đúng đắn. “Tuy nhiên, vấn đề triển khai thu mua lúa gạo tạm trữ trong dân lại đang vướng ở DN. Nhiều DN nại lý do không còn kho trữ gạo vì đã mua gạo tạm trữ trong vụ đông xuân nhưng vẫn chưa bán hết” - ông Bảnh nói. Theo ông Bảnh, lúa hè thu có độ ẩm cao nhưng nếu DN chịu mua lúa của dân và sấy khô với độ ẩm dưới 14% thì sẽ trữ được trong vòng 6 tháng. Còn nếu DN không mua thì với thời tiết như hiện nay, nông dân khó mà trữ lúa quá 3 tháng.

Lãi 30%: Cả vấn đề

Một lãnh đạo Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm xuất khẩu Cần Thơ cho biết chỉ đạo của Thủ tướng thì phải thực hiện song DN phải cân nhắc hiệu quả kinh doanh của đơn vị. “Bảo đảm lãi 30% cho nông dân là cả vấn đề vì giá thành sản xuất tăng cao mà giá bán thì thấp. Để đạt tiêu chí đó, giá mua lúa phải trên 4.000 đồng/kg nhưng DN sẽ không kham nổi bởi phẩm chất gạo lúa hè thu thấp, đầu ra đang gặp khó vì hợp đồng xuất khẩu không nhiều”- vị này nói.



Theo Thanh niên
Báo cáo phân tích thị trường