Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng Nai: Người chăn nuôi tiếp tục giảm đàn do giá thức ăn tăng, giá lợn hơi giảm
14 | 07 | 2010
Đồng Nai là một trong địa phương có đàn lợn lớn nhất nước với hơn 1,2 triệu con, trong đó hơn 50% số đàn chăn nuôi tập trung theo dạng công nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng giá lợn hơi giảm, trong khi giá thức ăn tăng, làm cho nhiều trang trại tiếp tục giảm đàn.
Ông Nguyễn Trí Công, chủ trang trại chăn nuôi Trí Công ở Biên Hòa và Vĩnh Cửu có đàn lợn tới hơn 6.000 con cho biết: Hiện với mỗi kg lợn hơi, người nuôi đang lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng. Cụ thể, giá 1kg lợn hơi trên thị trường hiện tại chỉ có 31.000 đồng trong khi giá thành sản xuất 1kg lợn hơi lên đến 33.000 - 34.000 đồng. Trong nhiều tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng liên tục, trong khi giá thịt lợn không tăng vì nhiều lý do, như: thông tin dịch bệnh, bị cạnh tranh bởi thịt nhập khẩu là mặt hàng có trong danh mục bình ổn giá... Ông Công cho biết thêm, hiện nhiều trại lợn đang rao bán chuồng trại, hoặc chuyển nghề ngày càng nhiều vì càng nuôi càng lỗ. Những trại nuôi lợn khác cũng bắt đầu chuyển từ sử dụng thức ăn công nghiệp sang hình thức tự tổ chức mua nguyên liệu về để trộn thức ăn nhằm đối phó với tình trạng giá tăng liên tục của các nhà máy chế biến TACN. Riêng trại Trí Công, hiện tổng đàn lợn đã phải giảm gần 50% so với trước, chỉ còn hơn 3.000 con.

Các chủ chăn nuôi lợn cho biết: Từ tháng 2/2010 đến nay, TACN đã 4 lần tăng giá, cụ thể: Mỗi bao cám 25 kg cho lợn nhỏ hiện có giá 320.000 đồng, cao hơn từ 4.000 - 4.500 đồng so với trước đây; loại cám cho lợn thịt từ 30kg/con trở lên giá từ 192.500 đồng/bao, tăng lên 197.000 đồng/bao... trong khi đó giá lợn giống vẫn đứng ở mức cao khoảng 1,3 triệu đồng/con (loại 20 kg). Theo các hộ chăn nuôi, hơn 2/3 giá thành của một con lợn là tiền cám, vì vậy áp lực rất lớn mỗi khi thức ăn chăn nuôi tăng. Ngoài ra, tỷ lệ rủi ro như: lợn bị nhiễm bệnh do phòng dịch không bằng các trại lớn; lợn giống tự tạo nên chất lượng không cao dẫn đến thời gian nuôi kéo dài...

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty chăn nuôi Thanh Bình đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: Hiện tại, Việt Nam đang phải nhập đến 90% nguyên liệu sản xuất TACN, kể cả ngô và đậu nành. Do đó, giá TACN phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường thế giới. Giá TACN ở Việt Nam đang cao hơn 20% so với các nước trong khu vực, nên sản phẩm thịt khó cạnh tranh về giá với các sản phẩm nhập ngoại. Chính vì vậy, người chăn nuôi phải tính lâu bền, tận dụng mọi điều kiện có thể để giảm giá thành và giải pháp tốt nhất là không nên tách rời chăn nuôi với trồng trọt, kể cả các trang trại lớn đã được chuyên nghiệp hóa. Bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm TACN công nghiệp, nên tận dụng chất thải để điều chế biogas, trồng trọt, nuôi cá... nhằm tạo thêm nguồn thức ăn cho lợn, có thêm thu nhập và từ đó giảm chi phí.


Theo TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường