Người tiêu dùng đang bị lừa?
Với dân số trên 80 triệu người, Việt Nam được coi là mảnh đất màu mỡ đối với các doanh nghiệp sữa. Vài năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa tại Việt Nam liên tục tăng trưởng ổn định. Nếu năm 2002, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam vào khoảng 12,22 lít/người/năm, thì năm 2009, con số này xấp xỉ 15 lít/người/năm. Cơ cấu tiêu dùng sản phẩm sữa của người tiêu dùng cũng thay đổi đáng kể, chuyển dần sang dùng sữa tươi nhiều hơn. Năm 2000, sữa tươi tiệt trùng chiếm 11,55% thị phần sữa, thì năm 2008, con số này là 34,93%.
|
40% “sữa tươi” trên thị trường là không nguyên chất (Ảnh minh hoạ) |
Với xu hướng sử dụng sữa tươi ngày càng gia tăng nên chất lượng sữa tươi là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm. Và qua những thông tin được công bố trong buổi tọa đàm “Thực trạng chất lượng sữa tươi” do Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương tổ chức mới đây, đã phần nào phác họa thực tế đáng lo ngại về thực trạng sữa tươi. TS. Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Quản lý cạnh tranh cho hay, có sự vênh nhau rất lớn giữa lượng sữa thực do đàn bò trong nước sản xuất và lượng sữa được gọi là "sữa tươi" mà doanh nghiệp đưa ra thị trường. Năm 2008, lượng sữa tươi của đàn bò chỉ ở mức 262 triệu lít, trong khi lượng sữa được gọi là sữa tươi đưa ra thị trường lên tới 439 triệu lít. Năm 2009, tổng lượng sữa tươi cả nước đạt 270 triệu lít, trong khi lượng sữa được gọi là sữa tươi các doanh nghiệp đưa ra thị trường lên tới 452 triệu lít.
Từ số liệu này, có thể thấy rõ, sản lượng sữa bò cả nước chỉ mới đáp ứng được 60% sản lượng sản xuất sữa tiệt trùng. Có ít nhất 40% sữa gọi là sữa tươi tiệt trùng bán ra thị trường không phải là “100% sữa tươi nguyên chất”. Lượng sữa tươi bị làm giả, thực chất được sản xuất từ sữa bột, hay còn gọi là sữa hoàn nguyên.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người tiêu dùng sữa - Vinatas, nêu thực tế, sữa tươi hiện nay trên thị trường chủ yếu được làm từ bột sữa gầy nhập khẩu. Hầu hết các nhà sản xuất trong nước sử dụng dầu thực vật, chủ yếu là dầu cọ vì giá rẻ (khoảng 8.000 đồng/kg) để thay cho chất béo từ sữa bò nguyên chất (giá nhập khẩu khoảng 50.000 đồng/kg). “Với tỷ lệ dầu thực vật, mà chủ yếu là dầu cọ trong sản phẩm, ai sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng không bị ảnh hưởng tới sức khỏe, trí tuệ nếu dùng loại sữa này” - bà Chi bức xúc nói.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý
Về trách nhiệm quản lý chất lượng sữa tươi trong nước, Chính phủ đã giao cho Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế). Song thực tế, việc kiểm tra chất lượng sữa nước gần như đang bị thả nổi. Chủ yếu dựa trên việc tự công bố chất lượng của các nhà sản xuất. Trên thị trường, tất cả các loại sữa nước đều ghi sữa tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa thanh trùng mà không thấy loại nào ghi sữa hoàn nguyên tiệt trùng. Khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là loại được sản xuất từ sữa tươi, đâu là loại sản xuất từ sữa bột.
Điều này cho thấy, hoạt động hậu kiểm của chúng ta đang có vấn đề. “Cần phải tiến hành kiểm tra chất lượng sữa tươi xem có đúng như doanh nghiệp đã công bố trên bao bì, đây là trách nhiệm của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm…” - ông Trần Anh Sơn, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) nhấn mạnh.
Để tìm hiểu công tác quản lý chất lượng sữa tươi, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế). Ông Nguyễn Công Khẩn cho biết đang đi công tác nên không thể cung cấp thông tin. Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập vấn đề này ở số báo sau.