Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phá sản chương trình thu mua càphê tạm trữ?
22 | 07 | 2010
Các doanh nghiệp (DN) chỉ "gom" không đến 10% so với chỉ tiêu thu mua càphê được phân bổ.

Đến thời điểm này - cuối tháng 7.2010 - đã quá hạn thu mua càphê tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp (DN) ở Lâm Đồng chỉ "gom" không đến 10% so với chỉ tiêu được phân bổ. Không chỉ Lâm Đồng, mà nhiều địa phương khác cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Doanh nghiệp: Chậm

Lâm Đồng hiện có hơn 135.000ha càphê, với sản lượng không dưới 270.000 tấn mỗi năm. Trong những tháng đầu năm 2010, giá càphê ở Lâm Đồng cũng như trong cả nước đã xuống ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua - chỉ không đến 20.000 đồng/kg, nên nông dân bị thiệt hại nặng nề. Để cứu người trồng càphê, Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng cho các DN được vay vốn với lãi suất hỗ trợ 6%/năm để thu mua tạm trữ 200.000 tấn càphê cho nông dân, và thời hạn thu mua là từ ngày 15.4 đến ngày 15.7.2010.

Ở Lâm Đồng, hai DN được chỉ định thu mua càphê theo chương trình thu mua càphê tạm trữ của Chính phủ là Vinacafe Dalat và doanh nghiệp Thái Hòa – hai đơn vị kinh doanh càphê lớn ở tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, Vinacafe Dalat được chỉ định mua tạm trữ 17.000 tấn với giá 24.900 đồng/kg - cao hơn gần 5.000 đồng so với thời giá tháng 4.2010. Để thực hiện chủ trương này, Vinacafe Dalat đã xây dựng một hệ thống kho bãi và nhà máy chế biến trị giá đến 20 tỉ đồng và có sức chứa lên đến 16.000 tấn càphê nhân.

Điều quan trọng hơn, để thu mua 17.000 tấn càphê với giá 24.900 đồng/kg theo chỉ định, Vinacafe Dalat cần một khoản tiền lên đến 408 tỉ đồng. Điều đáng nói là, trong quá trình kinh doanh trước đây, đơn vị này đã nợ ngân hàng một khoản tiền quá lớn nên việc vay vốn ngân hàng để thu mua càphê của Vinacafe là quá khó khăn (cho dù đó là chủ trương chung của Chính phủ và được sự chỉ định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Và, tình hình cũng diễn ra tương tự ở doanh nghiệp Thái Hòa.

Do vậy, theo nhận xét của lãnh đạo Sở NNPTNT Lâm Đồng thì chính sách thu mua càphê tạm trữ trong dân tuy là một chính sách đúng, nhưng ra đời chậm và việc triển khai còn nhiều bất cập (cấp trên lại chỉ định những DN không có khả năng vay vốn ngân hàng đứng ra thu mua) nên không mang lại lợi ích một cách thiết thực cho người nông dân trồng cà phê. Hiện tại, nỗi lo của không ít nông dân là không chỉ Lâm Đồng, mà có nhiều DN kinh doanh càphê của cả Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ khá cao.

Diễn biến thị trường: Nhanh

Mặt khác, biến động của giá cả thị trường đối với mặt hàng càphê nhân trong những ngày gần đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chương trình thu mua tạm trữ càphê trong dân của Chính phủ gặp phải những khó khăn nhất định. Tính đến tuần cuối tháng 7 (đã quá hạn thu mua tạm trữ), theo số liệu của Tổng Công ty Càphê VN (Vinacafe), các DN trong cả nước cũng chỉ mới thu mua không đến 10% so với kế hoạch 200.000 tấn càphê đã đề ra.

Ông Phạm Văn Án – GĐ Sở NNPTNT Lâm Đồng - cho biết: Bắt đầu từ tháng 6, sau hai tháng kể từ ngày cả nước thực hiện thu mua càphê tạm trữ, giá càphê đã dần nhích lên 25.000 đồng và hiện đang “đứng” ở giá 29.000 đồng/kg. Với giá này, các DN được vay vốn ưu đãi để mua với giá chỉ định là không thể; bởi lẽ, nông dân khó lòng chấp nhận giá đó; với lại, bởi đã cuối vụ nên lượng càphê còn tồn trong dân cũng không lớn.

“Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các đại lý tư nhân hiện đang thu mua càphê với giá 29.000 đồng/kg - tăng khoảng 20% so với tháng 4.2010 – thời điểm bắt đầu thu mua càphê theo chủ trương chung. Thực tế cho thấy, khi giá càphê có nhích lên (như lúc này) thì lượng càphê nhân trong dân đã vơi đi rất nhiều; vì trước đó, khi chính sách này chưa ra đời, người dân đã phải bán tống bán tháo hoặc ký gửi giá thấp cho các đại lý. Do vậy, việc chậm trễ của chủ trương thu mua càphê tạm trữ là điều bất lợi cho người dân” - lãnh đạo Sở NNPTNT Lâm Đồng thẳng thắn phát biểu.

Việc xuống giá càphê trong thời gian tới hẳn là điều không thể tránh khỏi. Và, sự chậm trễ như vừa rồi trong chủ trương thu mua càphê tạm trữ để cứu nông dân hẳn phải là một bài học cần được rút ra một cách nghiêm túc.



Theo Lao động
Báo cáo phân tích thị trường