Giá đường thế giới từ từ tăng tốc cuối năm 2009, rồi hai tháng đầu năm 2010 bất ngờ vọt lên chạm mức gần 760 đô la Mỹ/tấn, mức kỷ lục trong vòng 29 năm qua, do giới đầu tư dự báo hai "nhà máy đường" lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Brazil năm nay sẽ mất mùa.
Thế nhưng chỉ vài tháng sau, không những không mất mùa mà vụ mía của Brazil còn bội thu, sản lượng đường của nước này chẳng những không giảm mà còn có thể cao hơn 32% so với cùng kỳ năm 2009 nhờ thời tiết khô ráo thuận lợi cho trồng mía.
Nguồn cung dự báo sẽ dồi dào cho nên giá đường trên các sàn giao dịch thế giới lại lao dốc, giảm sâu đến 47% trong tháng 4 sau khi chạm đỉnh hồi đầu năm, duy trì ở mức thấp trong hai tháng 4 và 5 và hiện "lình xình" quanh mức 540 đô la Mỹ/tấn, kỳ hạn giao hàng tháng 10.
Giá đường ở Việt Nam cũng không đứng ngoài xu hướng "nhảy nhót" của giá thế giới. Nhưng đáng chú ý là khi giá đường thế giới tăng, giá đường trong nước cũng tăng theo, song khi giá thế giới giảm thì giá trong nước lại không giảm theo. Giá đường giao tại nhà máy từ đầu tháng 7 vẫn nằm ở mức cao, 16.000 - 17.000 đồng/kg.
Vị trí đặt quảng cáoMột chuyên gia ngành mía đường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét, giá đường trong nước đang bị thao túng bởi các nhà đầu cơ có vốn liếng, kho bãi tích trữ hàng hoá, tranh thủ những biến động dù nhỏ, để làm giá. Theo vị này, đã có hẳn một hệ thống "bình thông nhau" từ nhà máy đường đến công ty phân phối, đến mạng lưới chằng chịt các đại lý từ cấp 1 cho đến cấp 5,6, để ấn định giá đường trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
"Chỉ cần tinh ý sẽ thấy giá thế giới giảm sâu thì trong nước giảm từ từ hoặc rất ít, nhưng giá thế giới vừa nhích lên đã thấy giá trong nước tăng vùn vụt", vị này nói và cho rằng đường trong nước đang bị "làm giá" phần nào.
Nghịch lý còn ở chỗ, giá đường nằm ở mức cao so với thế giới ngay cả khi lượng cung đường trên thị trường không có dấu hiệu thiếu hụt. Tại cuộc họp lấy ý kiến hồi tháng 6, nhiều nhà máy đường đã "doạ" sẽ bị thiếu mía ngay giữa vụ ép sắp đến khiến cơ quan quản lý không khỏi lo lắng và quyết định cho nhập "khẩn cấp" thêm 150.000 tấn đường bổ sung đầu tháng 7. Quyết định này đã nâng tổng lượng đường nhập khẩu năm nay lên 350.000 tấn, vừa đường thô vừa đường tinh dù nhu cầu trong nước dự báo vẫn không tăng so với nhiều năm vào khoảng 100.000 tấn/tháng.
Cả cơ quan quản lý lẫn hiệp hội mía đường đều khẳng định, tính hết lượng đường tồn kho trong các nhà máy, công ty phân phối, và lượng đường đã được cấp hạn ngạch nhập khẩu thì không có chuyện thiếu đường trong năm nay, hay chí ít là qua Trung thu, khi hơn 40 nhà máy đường cả nước vào vụ ép chính.
Cung cầu đảm bảo cân đối mà giá vẫn cao chỉ có thể là do đầu cơ làm giá.
Nhưng không thấy ai chú ý đến lượng đường nhập lậu giá rẻ hơn đường trong nước đến vài ngàn đồng mỗi ki lô, vẫn "âm thầm" xâm nhập với số lượng không kiểm soát được vào chính vựa mía đường ĐBSCL. Có khả năng một lúc nào đó, lượng đường lưu thông trên thị trường vượt quá xa nhu cầu tiêu thụ, đẩy giá đường lao dốc như hiện tượng từng xảy ra với các mặt hàng khác chăng?
Rất có thể sẽ xảy ra chuyện "gậy ông đập lưng ông" đối với các nhà đầu cơ đường, giống như các doanh nghiệp thép từng bị quả đắng khi giữ giá thép đứng cao hơn giá thế giới một thời gian dài, đã bị thép ngoại ồ ạt nhập về lôi tuột xuống mức đáy 11,3 triệu đồng/tấn.