Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cạn kiệt gỗ nguyên liệu
27 | 07 | 2010
Nhiều đơn vị đã ký hợp đồng kéo dài đến vài ba năm nhưng nay lại lao đao do giá gỗ nguyên liệu trong nước tăng liên tục và ngày càng hiếm hàng.

Gỗ nguyên liệu rừng trồng đang được ồ ạt thu gom để xuất sang Trung Quốc, Malaysia, Indonesia khiến doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu lao đao vì không có nguyên liệu.

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đang kêu trời vì tình trạng thiếu nguyên liệu. Nhiều đơn vị đã ký hợp đồng kéo dài đến vài ba năm nhưng nay lại lao đao do giá gỗ nguyên liệu trong nước tăng liên tục và ngày càng hiếm hàng. Nguyên nhân là do tình trạng xuất khẩu gỗ đang rất phức tạp.

Không kiểm soát nổi

Nhiều DN sản xuất đồ gỗ xuất khẩu cho biết những năm trước, tình trạng xuất khẩu gỗ nguyên liệu cũng có nhưng không nhiều. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, người ta đua nhau thu gom gỗ nguyên liệu (chủ yếu là gỗ từ rừng trồng như cao su, tràm các loại...) để xuất sang Trung Quốc (TQ) dưới dạng gỗ tròn và gỗ xẻ bán thành phẩm. Khu vực tranh giành thu gom tập trung tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và một số tỉnh cao nguyên. Thương lái TQ cũng qua tận nơi để săn lùng gỗ. Trong ba tháng qua, giá gỗ bị đẩy lên chóng mặt, tăng từ 30% đến 50% tùy loại. Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty Đồ gỗ Hiệp Long (tỉnh Bình Dương), cho biết trước đây, giá gỗ cao su, gỗ tràm chỉ khoảng dưới 4 triệu đồng/m3 thì nay tăng lên 6 triệu đồng/m3 và khả năng sẽ còn tăng tiếp.

Theo dự báo của giới kinh doanh gỗ cũng như các DN chế biến gỗ, tháng 9, tháng 10 tới, giá gỗ nguyên liệu sẽ còn tăng tiếp khi mà các rừng cao su theo thông lệ hằng năm sẽ hạn chế khai thác. Do đó, giới buôn gỗ từ TQ đang tăng tốc thu gom gỗ nguyên liệu. Ông Trần Thanh Bình, giám đốc một DN gỗ tại TPHCM, tiết lộ: Bình thường, một DN xuất khẩu gỗ nguyên liệu ở mức trung bình chỉ xuất được vài ngàn mét khối/tháng nhưng nay họ đang xuất hàng chục ngàn mét khối/tháng. Tại các khu vực trồng rừng cao su ở các tỉnh miền Đông lúc nào cũng có hàng chục người TQ túc trực để xúc tiến việc thu gom gỗ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VN, thừa nhận tình trạng xuất khẩu gỗ hiện rất phức tạp. Theo số liệu thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ các loại trên 1,5 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng việc xuất khẩu gỗ nguyên liệu sang TQ thì không thể nào thống kê được do hàng xuất sang TQ thường theo 2 dạng chính ngạch và tiểu ngạnh, trong đó hàng đi đường tiểu ngạnh là chủ yếu.

Lợi dụng chính sách thuế

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, cho biết không chỉ có TQ nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ VN mà ngay cả các DN Malaysia, Indonesia cũng đang sang VN gom hàng với số lượng lớn để dự trữ cho cuối năm, càng làm cho thị trường gỗ nguyên liệu trong nước thêm phức tạp. Trong khi đó, các DN sản xuất đồ gỗ xuất khẩu trong nước gần như án binh bất động vì không có vốn để mua hàng dự trữ.

Được biết trong năm 2008, do khủng hoảng kinh tế nên các DN xuất khẩu, trong đó có DN gỗ, đều gặp khó khăn nên từ tháng 4-2009, Bộ Tài chính điều chỉnh thuế xuất khẩu cho nhóm gỗ rừng trồng từ 10% xuống còn 0% để tạo điều kiện cho DN gỗ xuất khẩu. Nay tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ đã thuận lợi nhưng thuế xuất khẩu gỗ nguyên liệu vẫn áp dụng 0% nên giới kinh doanh đã lợi dụng chính sách này để thu gom gỗ rừng trồng ồ ạt gây khó khăn cho DN sản xuất gỗ trong nước. Trước thực trạng trên, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, Hội Chế biến lâm sản tỉnh Đồng Nai đã có công văn kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét lại thuế xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Hiện DN muốn mua nguyên liệu dự trữ cũng gặp khó khăn do giá đã bị đẩy lên quá cao và nguồn hàng cũng bắt đầu khan hiếm.

DN có thể phá sản vì nợ đơn hàng

Theo ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Gỗ Minh Phát (tỉnh Bình Dương), việc xuất khẩu gỗ thô với giá 200 USD - 300 USD/m3 như hiện nay đang gây thiệt hại rất lớn vì giá trị xuất khẩu đồ gỗ thành phẩm hiện thường từ 1.300 USD - 2.000 USD/m3 và tình hình thị trường đồ gỗ xuất khẩu đang rất tốt. Đây cũng chính là lý do khiến DN gỗ nước ngoài đua nhau lùng mua nguyên liệu để dự trữ. Ông Trần Quốc Mạnh than: “Giá gỗ nguyên liệu tăng cao (kể cả gỗ nguyên liệu nhập khẩu) đang khiến nhiều DN xuất khẩu đồ gỗ lao đao, thậm chí có thể phá sản vì không vay được vốn ngân hàng để duy trì sản xuất cũng như trả nợ các đơn hàng đã ký”.



Theo Người Lao động
Báo cáo phân tích thị trường