Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay và đã cảnh cáo một nhà máy đường ở tỉnh Long An vì vi phạm trên.
Theo Hiệp hội mía đường, trong niên vụ 2010-2011 đã có các nhà máy đường Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ Phát ở tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu ép mía từ cuối tuần trước. Các nhà máy còn lại, tùy theo vị trí nhà máy và vùng nguyên liệu, sẽ bắt đầu ép mía từ ngày 5-10. Các nhà máy đường đã cam kết mua mía đầu vụ từ nông dân với giá 1.000.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục chế biến Nông lâm thủy hải sản và nghề muối cho biết, tình trạng mua tranh mía nguyên liệu của các nhà máy ngoài tỉnh đang “nóng” lên ở tỉnh Hậu Giang. Do vậy, ngoài biện pháp đăng ký với Sở Nông nghiệp tỉnh, “nhà máy đường vi phạm thời điểm ép mía hay mua mía từ vùng nguyên liệu của nhà máy khác bỏ vốn đầu tư, bộ sẽ xử lý bằng nhiều biện pháp mạnh tay”, ông nói.
Theo ông Hoà, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh cáo một nhà máy đường liên doanh ở tỉnh Long An với vi phạm trên.
Việc xử lý mạnh tay của bộ là để ngăn ngừa tình trạng nhà máy tận dụng giá đầu ra ở đầu vụ đang cao (giá đường thô bán buôn đang ở mức 16.700 đồng/kg) mua tranh nguyên liệu và ép mía chưa đủ chữ đường, đưa đến hụt sản lượng cả nước về cuối vụ như các năm trước.
Năm nay cũng vậy, các chuyên gia ngành mía đường từ đầu vụ đều dự báo niên vụ năm nay sẽ tiếp tục thiếu nguyên liệu sản xuất đường, do vậy sản lượng đường cả nước sẽ chỉ bằng hoặc thấp hơn năm trước, vào khoảng 900.000 tấn.
Trong hội nghị hồi tháng 6 của ngành mía đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết khu vực các tỉnh phía Nam có 15 nhà máy đường. Tuy nhiên, chỉ có 5 trong số đó là có hợp đồng bao tiêu mía dài hạn với nông dân thông qua các hợp tác xã nông nghiệp và có vùng nguyên liệu tương đối ổn định.
Còn lại hơn 10 nhà máy, việc ký hợp đồng bao tiêu sau thời gian đầu phát triển mạnh, chiếm đến 70-80% vùng nguyên liệu, thì đến niên vụ vừa rồi có nhà máy chỉ còn chưa đến 20%, có nghĩa là đến vụ ép thì thiếu mía lại phải đi mua tranh nguyên liệu với các nhà máy khác trong khu vực.
Việc tranh mua mía, một mặt khiến nhà máy không tự chủ được nguồn nguyên liệu cho chính mình, một mặt cũng ảnh hưởng đến những vùng nguyên liệu được các nhà máy đầu tư cho nông dân để thâm canh tăng năng suất.