Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo sẽ ‘sốt’?
12 | 10 | 2010
Giá gạo đang ở mức cao nhất từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, trong tháng 9, lượng gạo xuất khẩu giảm 200.000 tấn so với kế hoạch. Nguyên nhân, theo các doanh nghiệp là do mức giá sàn cao, khó đàm phán hợp đồng.

Trong buổi họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo 9 tháng tại TP HCM ngày 8/10 do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nhiều doanh nghiệp đề nghị hạ giá sàn đối với loại gạo 5% tấm.

Gạo xuất khẩu không còn nhiều

Tính đến hết tháng 9, lượng gạo đăng ký xuất khẩu đạt 6,49 triệu tấn, trong đó, đã giao 5,393 triệu tấn. Lượng tồn kho hiện chỉ khoảng 1,190 triệu tấn. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho biết, tình hình này, gạo tồn kho cuối năm dùng để gối đầu cho năm sau sẽ giảm so với các năm.

Đáng chú ý là trong tháng 9, dù giá gạo tăng vọt, nhưng xuất khẩu có chiều hướng giảm. Cụ thể, kế hoạch xuất khẩu là 800.000 tấn nhưng lượng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 600.000 tấn.

Ông Lê Tuấn, Giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Vĩnh Long, kiến nghị nên nâng mức giá sàn đối với loại gạo phẩm cấp thấp (25% tấm). Còn với mức giá trần đối với gạo 5% tấm hiện nay (475 USD) là quá cao, khiến các doanh nghiệp khó đàm phán ký kết hợp đồng xuất khẩu mới thì nên hạ xuống.

VFA cho biết, lượng gạo ký hợp đồng (chưa thực hiện) còn nhiều, gần với mức tồn kho của doanh nghiệp. Trong khi nhu cầu thị trường đang tăng trở lại, nhất là các thị trường truyền thống như Cuba, Indonesia và Philippines nhưng nguồn cung từ nay đến cuối năm hạn chế. Thời gian qua, đã có lúc giá gạo của Việt Nam cao hơn giá gạo xuất khẩu của Mỹ, một việc “xưa nay hiếm” vì giá gạo của Mỹ luôn duy trì ở mức cao nhất thế giới.

Còn ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty CP Mekong Cần Thơ, so sánh, ở Thái Lan, khi giá lên hay xuống đều từ từ, còn ở Việt Nam thì “giá lên ầm ầm, giá xuống ào ào”, tạo tâm lý bất an.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bị dao động trước sức ép trong cuộc đấu trí với các nhà nhập khẩu. Đồng thời khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cũng giới hạn, nên lượng tồn kho khi lên ngưỡng hai triệu tấn là vội vàng bán để giải phóng kho.

“Sốt” gạo phẩm cấp thấp

Hiện giá lúa trong nước đang ở mức 5.500 - 6.000 đồng một kg. Giá lúa gạo đang ở mức cao và có xu hướng tăng thêm, khi Vinafood 2 vừa ký bán cho Indonesia 300.000 tấn gạo, trong khi nước này muốn mua 500.000 tấn. VFA cho biết, đã điều chỉnh giá sàn gạo 25% tấm thêm 10 USD một tấn (lên 445 USD).

Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, khi ký hợp đồng mới, doanh nghiệp phải đảm bảo có gạo trong kho và VFA phải kiểm tra, để tránh xảy ra tình trạng đổ xô mua, làm biến động thị trường nội địa.

VFA khuyến cáo các doanh nghiệp ngưng xuất khẩu tấm và hạn chế tối đa việc xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp. Theo phân tích, nhu cầu về gạo có nhiều ẩn số, dù cân đối bình diện chung trên thế giới không có gì biến động, nhưng nếu xét từng khu vực thì đã có căng thẳng, cung vượt cầu. Ví dụ Philippines hiện cần ít nhất 1,5 triệu tấn; Ấn Độ dù tồn kho lớn nhưng khả năng xuất khẩu không cao do mất mùa.

Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tỉnh táo theo dõi tình hình. Nhưng có thể nói, từ nay đến quý I/2011, giá lương thực có xu hướng tăng. Do đó, doanh nghiệp không nên tiếp tục bán gạo tấm, gạo cấp thấp. Còn gạo cấp cao chỉ bán khi có tồn kho, phải có chân hàng trong kho và chủ động can thiệp thị trường trong nước khi biến động.

Mỗi năm, lúa từ Campuchia chuyển về Việt Nam cả triệu tấn, nhưng năm nay chỉ khoảng 100.000 - 200.000 tấn. Ngoài mất mùa, lúa hàng hóa ở nước này đã bị hút sang Thái Lan và nước này đang có chiến lược mua gạo trắng của Campuhia, Lào, Myanmar, để cạnh tranh với gạo trắng thường của Việt Nam (Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA).



Theo Đất Việt
Báo cáo phân tích thị trường