Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hệ lụy bất thường từ sốt giá hồ tiêu
29 | 10 | 2010
Từ đầu năm 2010 đến nay, giá hồ tiêu liên tục tăng. Tiêu tăng giá kéo theo nhiều hệ lụy bất thường như phá rừng lấy trụ tiêu, phát triển ồ ạt diện tích phá vỡ quy hoạch…

Hồ tiêu lên ngôi

Bảy tháng đầu năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu 83.890 tấn hạt tiêu với trị giá hơn 272 triệu USD, tăng hơn 40% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là năm mà giá hồ tiêu trên thị trường trong nước có sự biến động mạnh mẽ, đầu niên vụ giá khoảng 38.000 – 40.000 đồng/kg nhưng đến tháng 9, đầu tháng 10-2010 giá đẩy lên trên 80.000 đồng/kg.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) đã đưa ra nhận định: “Việt Nam có thể chủ động điều tiết giá bởi nguồn cung hồ tiêu trên thị trường đang thiếu hụt trầm trọng. Mặt khác, hồ tiêu Việt Nam chiếm gần 50% thị phần toàn cầu nên chỉ cần chúng ta giảm lượng bán ra sẽ làm thay đổi quan hệ mua - bán gia vị này của thế giới”.

Hồ tiêu Tây Nguyên đã đạt trên 15.000 ha/tổng diện tích 50.000 ha của cả nước. Tây Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển vùng chuyên canh cây tiêu. Tiêu Tây Nguyên phân bố khắp ở các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kon Tum và Gia Lai. Từ nhiều năm trở lại đây, chất lượng tiêu Tây Nguyên đã được nhiều thị trường tiêu dùng khó tính chấp nhận vì có đặc tính nổi trội là cay và thơm nồng.

Hiện tại, tỉnh Gia Lai có trên 6.000 ha hồ tiêu với sản lượng hằng năm đạt từ 22.000 đến 27.000 tấn, chiếm khoảng 20% sản lượng tiêu của cả nước, tập trung ở huyện Chư Sê và Chư Pưh. Từ tháng 12-2007, thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê” chính thức được công bố - trở thành thương hiệu hồ tiêu đầu tiên của Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị hồ tiêu trong nước so với các nước trong khu vực và thế giới.

Nguy cơ phát triển ồ ạt

Tiêu tăng giá đã kích thích người nông dân đổ xô phá các loại cây trồng khác hoặc phá rừng làm nương rẫy trồng tiêu. Giá trụ tiêu trên thị trường liên tục tăng từ 40.000 đồng/ trụ những năm trước, đã được đẩy giá lên 90.000 đồng - 100.000 đồng/ trụ tiêu vụ trồng mới vừa qua.

Người giàu có tiếp tục mua đất mở rộng diện tích tiêu khiến giá đất ở Chư Sê, Chư Pưh trồng được tiêu đã tăng từ 300 triệu đồng năm 2009 lên 500-600 triệu đồng/héc ta vào vụ tiêu năm 2010.

Những người nghèo khó cũng trồng được tiêu bằng cách lấy ngắn nuôi dài, họ khai hoang đất, rồi tự vào rừng kiếm trụ về trồng. Có những người năm nay chưa mua được trụ thì trồng vội hom tiêu chờ có trụ năm tới cắm vào, nếu không sẽ trễ mất một năm thu hoạch. Việc phát triển cây tiêu ồ ạt còn gây tác hại đến công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là việc đốn cây rừng làm trụ tiêu.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Chư Sê cho biết, tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh, dù quỹ đất cho phát triển tiêu đã khan hiếm nhưng hàng ngàn hộ dân vẫn tiếp tục mở rộng diện tích trồng tiêu. Mỗi hộ trồng ít nhất vài trăm, có hộ trồng mới cả chục ngàn gốc tiêu bất chấp rủi ro về giá cả, sinh trưởng.

Hồ tiêu hiện là loại cây trồng có doanh thu lớn, mỗi hécta tiêu hiện nay cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng (cá biệt có hộ thu cả tỷ đồng/ha), lợi nhuận đạt 300-400 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nhiều người cũng tán gia bại sản vì tiêu bệnh.

Năm 2010, Gia Lai cũng chứng kiến hàng trăm héc ta tiêu bị chết. Anh Trần Văn Thành ở xã Hà Bầu, Đắk Đoa có 800 trụ tiêu trồng năm 2003, những năm qua vườn tiêu của anh cho năng suất khá, đạt 3 tấn tiêu hạt. Thế nhưng tháng 5-6 vừa qua, vườn tiêu của anh bỗng dưng vàng lá, chết hàng loạt.

Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều hộ dân đã ồ ạt đổ xô trồng tiêu dẫn đến cung vượt cầu và bị ép giá là khó tránh. Ngay từ đầu vụ trồng mới vào tháng 6-7 năm 2010, VPA đã có khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích, canh tác ổn định ở mức 50.000 ha như hiện nay và tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam khuyến cáo: “Ngành tiêu Việt Nam nên đầu tư vào chất lượng chứ không thể chạy theo số lượng bằng việc tăng nhanh diện tích trong một thời gian ngắn vì sẽ gây bất lợi cho người trồng tiêu”.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường