Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu caosu: “Bỏ tất cả trứng vào một giỏ”
04 | 11 | 2010
Trung Quốc chiếm 60% thị trường xuất khẩu caosu của Việt Nam.

Theo Ban xuất - nhập khẩu thuộc Tập đoàn Công nghiệp Caosu Việt Nam – (VRG), hiện nay xuất khẩu caosu Việt Nam chủ yếu bằng đường mậu biên (Móng Cái- Quảng Ninh) sang Trung Quốc (nước chiếm 60% thị trường xuất khẩu caosu của Việt Nam).

Ai cũng nhìn thấy việc “bỏ tất cả trứng vào 1 giỏ” sẽ mang nhiều rủi ro, nhưng giải quyết nó thì lại rất khó…

Thời cơ
Theo Bộ NNPTNT, lượng caosu xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2010 ước đạt trên 600 nghìn tấn, đạt gần 1,7 tỉ USD - tuy tăng chỉ 7,7% về lượng nhưng tăng hơn 92% về giá trị. Giá caosu bình quân gần 2.770USD/tấn - tăng trên 84% so cùng kỳ năm ngoái. Sở dĩ giá caosu tăng cao là do nguồn cung từ các nước xuất khẩu caosu lớn như Thái Lan giảm mạnh vì thời tiết bất lợi; trong khi, nhu cầu caosu của Trung Quốc (chiếm 60% thị trường xuất khẩu caosu của Việt Nam), Ấn Độ vẫn ở mức cao.

Theo nghiên cứu của Ban xuất - nhập khẩu caosu (thuộc VRG), thị trường caosu sắp tới sẽ còn xán lạn hơn. Bởi Trung Quốc (nơi có thị trường ôtô lớn nhất thế giới) dự kiến sẽ tăng sản lượng ôtô từ năm 2011 đến 2015 khoảng 8%/năm. Điều này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu caosu sang đây nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ về sản xuất săm lốp.

Tương tự tại Ấn Độ, sự gia tăng giàu có ở nước này đã gây ra thiếu hụt ôtô. Đó là chưa nói Ấn Độ sản xuất loại xe ôtô rẻ chỉ từ 2.000 – 3.000USD/chiếc tạo ra một nhu cầu săm lốp lớn. Năm 2010, Ấn Độ nhập khẩu 110.000 – 120.000 tấn caosu - cao hơn dự báo 70.000 tấn của Tổng cục Caosu Ấn Độ. Năm 2011, dự kiến Ấn Độ sẽ tiêu thụ đến 1 triệu tấn caosu thiên nhiên trong năm.

Gian nan việc lệ thuộc mậu biên

Đây đang là trăn trở của các nhà xuất khẩu caosu. Lượng caosu được tiêu thụ trong nước để trực tiếp sản xuất chỉ chiếm khoảng 10 -15% tổng sản lượng caosu của Việt Nam (năm 2010 dự kiến đạt khoảng 670.000 tấn). Phần còn lại, chủ yếu xuất khẩu đường mậu biên qua cửa khẩu Móng Cái. Theo một thống kê chưa đầy đủ thì hiện có tới 2/3 số doanh nghiệp - chiếm khoảng 70% sản lượng caosu xuất khẩu - chọn cách bán qua đường mậu biên. Nguyên nhân, theo thạc sĩ Lê Đình Vũ (Phó Trưởng ban xuất - nhập khẩu VRG), do được phía Trung Quốc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn so với xuất chính ngạch vào Trung Quốc (thấp hơn 50%). Bên cạnh đó, việc mua bán diễn ra nhanh gọn theo hình thức tiền – hàng trao tay ngay và tiền nào của nấy, tỉ giá NDT/VND luôn tăng theo hướng có lợi cho nhà xuất khẩu.

Tuy nhiên, chính sách mậu biên của phía Trung Quốc không ổn định, làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam luôn ở thế bị động. Bằng chứng, tại cửa khẩu Móng Cái, nếu như trước tháng 4.2010, giá caosu liên tục tăng, có thời điểm lên trên 24.000DNT/tấn, thì sau đó liên tục rớt xuống còn 22.000, thậm chí có tuần trong tháng 7 chỉ còn 21.000NDT/tấn. Tháng 8, đã có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam mắc bẫy. Giá caosu tăng mạnh nên tập trung “đánh” hàng ra. Khi nhiều container mủ còn đang trên đường vận chuyển ra, thì tại cửa khẩu, doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu hạn chế mua hòng kéo giá xuống đẩy doanh nghiệp vào thế buộc phải bán giá thấp, vì nếu găm hàng lại tốn tiền phí lưu kho, lãi suất.

Đã từ lâu, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu caosu đều biết, không nên “bỏ tất cả trứng vào 1 giỏ”, phải chuyển hướng mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường mậu biên. Bởi doanh nghiệp sẽ có được thị trường ổn định, cơ cấu thị trường xuất khẩu sẽ đa dạng hơn; sẽ đem về cho doanh nghiệp nguồn ngoại tệ mạnh, đặc biệt là USD; tạo điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn kinh doanh bằng ngoại tệ có lãi suất bình quân chỉ bằng 1/3 lãi suất vay tiền đồng...

Dẫu vậy, việc xuất khẩu chính ngạch sẽ gặp khó khăn, bởi nó đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, uy tín nhà cung cấp... trong khi các yêu cầu này không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được.



Theo Lao động
Báo cáo phân tích thị trường