Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thương nhân Trung Quốc tranh mua thủy sản, cao su...
24 | 11 | 2010
Xuất khẩu cao su chính ngạch và tiểu ngạch tại nhiều cửa khẩu biên giới phía Bắc đang diễn ra sôi động. Các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục thông báo nhu cầu lớn các mặt hàng cao su, thủy sản...

Tại các vùng nguyên liệu, thương nhân Trung Quốc đang vơ vét nguồn hàng, tranh mua với doanh nghiệp trong nước.

Giá mủ cao su tăng giúp nhiều nông dân hưởng lợi, nhưng lại đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn vì phải tranh mua với Trung Quốc - Ảnh: N.C.T.

>> Kỳ 1: Gom khoai mì xuất sang Trung Quốc

Tương tự như sắn lát, nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước phục vụ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chế biến thủy sản vốn đã thiếu nay càng trầm trọng. Các doanh nghiệp ngành cao su cũng đứng ngồi không yên vì hợp đồng mua mủ cao su thường xuyên bị bớt xén để bán sang Trung Quốc.

Gom mủ cao su

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu thủy sản của VN sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay đạt khoảng 121,665 triệu USD, tăng tới 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để có được nguồn hàng, thương nhân Trung Quốc đưa người đến tận các trung tâm sản xuất cao su của VN để trực tiếp đặt hàng. Chị Hương, chuyên thu gom và sơ chế cao su xuất khẩu tại Bình Dương, cho biết thông thường nhà máy phải chế biến phân loại rồi vận chuyển lên biên giới phía Bắc bán.

Tuy nhiên, trong đợt cao su hút hàng hồi tháng 10 và đầu tháng 11 đã có những người môi giới từ Trung Quốc đến tận nhà máy đặt mua hàng với số lượng lớn. Họ chủ động thuê xe chở cao su đã mua qua biên giới, trả thêm tiền xe nếu bên bán thuê.

Anh Hưng, một đại lý gom cao su tại Bến Cát (Bình Dương), cho biết cách đây hơn hai tuần có khách hàng từ Trung Quốc đặt vấn đề cung cấp 3.000 tấn cao su loại 3L nhưng liên hệ mọi nhà máy đều không có hàng nên phải giới thiệu cho người khác.

Theo Hiệp hội Cao su VN, trong nhiều năm liền Trung Quốc là nhà nhập khẩu cao su tự nhiên lớn nhất của VN, chiếm khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu. Hiện giá xuất khẩu mủ cao su đã sơ chế đạt khoảng 85 triệu đồng/tấn.

Ghi nhận từ các cửa khẩu biên giới phía Bắc như Lào Cai, Quảng Ninh... hoạt động thu gom cao su thiên nhiên của các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang diễn ra rất sôi động.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su chính ngạch đến giữa tháng 11 đã đạt 633.455 tấn, kim ngạch đạt 1,8 tỉ USD. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay lượng nhập khẩu mủ cao su chính ngạch từ VN vào khoảng 349.379 tấn, kim ngạch đạt tới 976,29 triệu USD.

Tuy nhiên, nếu tính cả xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch, lượng cao su xuất khẩu lớn hơn rất nhiều.

Biểu đồ thị trường và cơ cấu xuất khẩu cao su VN trong 10 tháng đầu năm 2010 - Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: v.cường

Vơ vét nguyên liệu thủy sản

Trong khi hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản trong nước đang rơi vào tình trạng khốn đốn vì đói nguyên liệu, phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng thì có một nghịch lý là thủy sản nguyên liệu lại đang ùn ùn chảy sang Trung Quốc.

Tại các vùng nguyên liệu và các cửa khẩu, các thương nhân Trung Quốc đang tranh mua nguyên liệu tôm, mực... với các nhà sản xuất trong nước.

Một cán bộ hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết nhu cầu của nhà nhập khẩu Trung Quốc cực lớn, bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Họ sẵn sàng trả giá 110.000-120.000 đồng/kg tôm, trên 90.000 đồng/kg mực... để có được hàng.

Tại cửa khẩu Hoành Mô (Quảng Ninh), ông Hoàng Tú Hoàn, chi cục trưởng Chi cục Hải quan phụ trách cửa khẩu này, cho biết gần như hàng qua cửa khẩu Hoành Mô hiện nay chỉ là mặt hàng tôm xuất đi Trung Quốc. Hàng được gom từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu là từ các tỉnh ĐBSCL.

Ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc Công ty thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), cho biết từ tháng 7 đến nay thương nhân Trung Quốc đã tràn vào miền Trung và miền Nam để gom nguyên liệu. Tại cảng cá, chợ cá nào cũng xuất hiện đội ngũ này.

Càng đến cuối năm, các thương nhân Trung Quốc càng mạnh tay trả giá. Tại khu vực biên giới Lào Cai, các công ty buôn bán biên mậu của các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Vân Nam (Trung Quốc) cũng thông báo cần nhập số lượng lớn tôm, mực, cá đông lạnh. Nhu cầu lên tới 530 triệu USD/năm.

Đói nguyên liệu

Theo ông Trần Văn Lĩnh, giá nguyên liệu bị đẩy lên cao khiến nhiều nhà máy thủy sản ở miền Trung không mua đủ hàng chế biến. “Chỉ vài công ty lớn có hợp đồng giá cao mới dám mua với giá cao như hiện nay. Các nhà máy nhỏ chỉ hoạt động cầm chừng giữ công nhân hoặc tạm ngưng sản xuất” - ông Lĩnh cho biết.

Ông Trần Thiện Hải, chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, cho rằng hiện xuất khẩu thủy sản qua Trung Quốc không bị cấm nên rất khó kiểm soát được lượng hàng vận chuyển qua đường này. Theo ông Hải, cần giảm bớt áp lực thiếu nguyên liệu, phải nhập khẩu cho các nhà máy chế biến thủy sản trong nước bằng cách Nhà nước đưa ra biện pháp quản lý lượng xuất khẩu thô.

Trong khi đó, doanh nghiệp ngành cao su cũng rơi vào tình trạng khốn khó vì nguồn nguyên liệu “chập chờn”.

Ông Lê Văn Trí, phó tổng giám đốc Công ty Công nghiệp cao su miền Nam, cho biết giá cao su thô mua trong nước tăng vọt từng ngày khiến doanh nghiệp sản xuất như công ty ông hết sức vất vả trong việc tính toán giá thành sản xuất. Nếu như tháng 5-2010 công ty chỉ mất 52.000 đồng/kg để mua cao su thô thì nay đã nhảy vọt lên 88.000 đồng/kg, “chưa kể số lượng mua hết sức phập phù” - ông Trí nói.

Theo ông Trí, dù phần lớn hợp đồng mua cao su thô được công ty ký cả năm với nhiều nhà sản xuất cao su trong nước, nhưng nếu xuất khẩu hút hàng họ sẵn sàng giảm bớt lượng cao su đã ký hợp đồng trước đó để xuất đi.

Ông Huỳnh Ngọc Hiếu, giám đốc Công ty cao su Hòa Bình (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết những năm trước đơn vị này thu mua khoảng 600 tấn mủ cao su từ các vườn cao su tiểu điền trên địa bàn. Nay các trạm thu mua mủ tư nhân mọc lên nhiều và cạnh tranh gay gắt, sản lượng thu mua mủ cao su tiểu điền của đơn vị có khả năng không đạt con số trên.

Hiện chỉ có ba doanh nghiệp lớn sản xuất các sản phẩm từ cao su tự nhiên bao gồm Công ty cao su Sao Vàng, Công ty cao su miền Nam và Công ty cao su Đà Nẵng nhưng không phải lúc nào các nhà máy chế biến cao su trong nước cũng có đủ nguồn hàng sản xuất.

Thậm chí, có công ty cho biết lượng hàng cung cấp của họ phụ thuộc vào các thương nhân Trung Quốc. Bởi khi phía Trung Quốc hút hàng thì các nhà cung cấp trong nước sẵn sàng phá hợp đồng để đưa hàng xuất khẩu.

Phụ thuộc nhiều, rủi ro cao

Với tỉ trọng 85-90% sản lượng được tiêu thụ tại thị trường quốc tế, cao su tự nhiên là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN.

Quý 1-2010, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc chiếm tới 75% tổng kim ngạch. Sự phụ thuộc quá lớn này tạo ra nhiều rủi ro. Do nắm được điểm yếu của doanh nghiệp VN, đối tác Trung Quốc thường ép giá, áp dụng hàng rào linh hoạt cho xuất khẩu cao su biên mậu.

Vào giữa năm nay, khi giá cao su lên cao, doanh nghiệp VN không thể xuất khẩu cao su tiểu ngạch qua đường biên mậu với Trung Quốc do chính sách hạn chế nhập khẩu của nước này kết hợp với bán cao su dự trữ đẩy giá xuống.

Tình trạng tương tự diễn ra tại các cửa khẩu khu vực Quảng Ninh hồi tháng 8, khi giá cao, hàng đã vận chuyển lên biên giới, các thương nhân Trung Quốc cũng đột xuất hạn chế mua, ép giá xuống khiến nhà xuất khẩu buộc phải bán.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường