Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Các DN trong nước đang khốn khó
13 | 12 | 2010
Thu hái càphê ở Tây Nguyên đang cao điểm. Thông thường, các DN XK càphê nội địa vào thời điểm này cũng đang thu mua ồ ạt để dự trữ cho XK. Thế nhưng, năm nay lãnh đạo các DN đều “than trời” vì lãi suất ngân hàng quá cao, lại phải cạnh tranh thu mua với các DN ngoài nước.

Theo tính toán của ông Lê Đức Thống - GĐ Simexco Daklak thì với lãi suất cho vay 18%/năm của ngân hàng và với giá càphê 35.000đ/kg hiện nay, tính ra mỗi kilôgram càphê các DN nội địa phải chịu lãi ngân hàng 500đ. Trong khi đó, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên năm nay lại cho các DN nước ngoài (như Amajaro, Louit, Olam, Netcofe...) trực tiếp vào địa bàn để thu mua (trước đây họ phải mua lại càphê từ các DN trong nước).

Họ có tiềm lực tài chính mạnh, có nhiều mánh khoé mua bán, có thị trường và đặc biệt họ vay vốn ở nước ngoài chỉ phải chịu lãi suất thấp (4 - 5%/năm), tính ra mỗi kilôgram càphê họ chỉ phải chịu lãi 100 - 120đ. Vì vậy khi thu mua, họ có điều kiện nâng giá mua cao hơn các DN trong nước để hút hàng. Các DN trong nước đành chịu lép vế. Cũng vì vậy, nhiều DN trong nước đến thời điểm này vì vay vốn khó khăn, vì lãi suất cao, vì bị các DN nước ngoài cạnh tranh nên chỉ mua được khoảng một nửa sản lượng năm trước.

Việc một số tỉnh Tây Nguyên để cho các DN nước ngoài nhảy vào thu mua càphê trực tiếp và cạnh tranh thu mua với DN trong nước, trước mắt có phần lợi cho người sản xuất bán càphê, nhưng lại làm cho các DN XK càphê trong nước “nghẹt thở”. Thực trạng này có thể làm cho các DN XK càphê trong nước “chết dần chết mòn” sau một thời gian. Khi DN nước ngoài đã “bóp chết” được các DN trong nước, họ sẽ hoàn toàn thao túng thị trường càphê VN. Lúc ấy thì ngành càphê VN tất yếu sẽ phải gánh chịu nhiều vấn đề khó lường...



Theo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường