Giá cao, người nuôi lãi lớn
Do nhu cầu tiêu dùng của các nước nhập khẩu (NK) tăng cao, cộng với sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico nên giá tôm sú năm 2010 luôn ổn định ở mức cao. Theo số liệu thống kê của các sở nông nghiệp và PTNT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ đầu năm 2010, giá tôm sú cỡ 20 con/kg đã đứng ở mức 180.000 đồng/kg, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2009, cỡ 30 con/kg giá 130.000 -135.000 đồng/kg (tăng 65%), cỡ 40 con/kg trên 100.000 đồng/kg, tăng 48%. Đến đầu quý III /2010, ĐBSCL vào chính vụ thu hoạch tôm nuôi thâm canh nhưng giá tôm vẫn cao ngất ngưởng. Theo đó, tôm sú cỡ 30 con/kg có giá 140.000 đồng/kg. Người nuôi sau một thời gian “bầm dập” vì dịch bệnh, tôm rớt giá, nay đã nở mày nở mặt.
Kể từ đầu tháng 10 đến nay, do hầu hết các ao nuôi tôm đều đã thu hoạch nên giá tôm sú nguyên liệu tăng liên tục, nguồn nguyên liệu trở nên khan hiếm. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Tiền Giang, hiện giá tôm sú nguyên liệu dao động ở mức 210.000- 220.000 đồng/kg đối với tôm cỡ 20 con/kg, 170.000-175.000 đồng/kg tôm cỡ 30 con/kg và 130.000 đồng/kg tôm cỡ 40 con/kg (tăng từ 11 - 36% so với cùng kỳ năm 2009), cũng là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay. Riêng tôm thẻ chân trắng, giá dao động từ 58.000-74.000 đồng/kg.
Theo hạch toán của nông dân tỉnh Tiền Giang, chi phí đầu vào cho nuôi tôm trung bình khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg đối với tôm sú và 40.000-45.000 đồng/kg đối với tôm thẻ nên với mức giá như hiện nay, người nuôi tôm lãi khoảng 120.000-140.000 đồng/kg đối với tôm sú và 20.000- 30.000 đồng/kg đối với tôm thẻ chân trắng.
Các chuyên gia ngành nông nghiệp nhận định, mặc dù giá thức ăn thủy sản tăng cao, làm tăng chi phí nuôi nhưng với lợi thế giá tôm luôn ở mức cao nên trên 90% số hộ nuôi tôm có lãi. Riêng tại Tiền Giang, theo khảo sát của Chi cục Thủy sản tỉnh, 100% số hộ nuôi tôm đều có lãi.
Hiện mặt hàng tôm đã vượt lên chiếm 40,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, cũng là mặt hàng đứng đầu trong nhóm thủy sản. Từ đầu năm đến nay, mức tăng giá trị xuất khẩu (XK) tôm cao gấp rưỡi mức tăng sản lượng. Theo dõi diễn biến vài năm gần đây thấy, XK tôm năm 2010 có tốc độ tăng tháng sau cao hơn tháng trước khoảng 23%, thị trường tiêu thụ đã vươn tới 90 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 3 thị trường chủ lực là Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu (EU) đều tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị. Năm 2010, kim ngạch XK tôm ước đạt trên 2 tỷ USD.
Cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Tuy đạt được nhiều thắng lợi song ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề nan giải đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm đó là nạn bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Năm 2010, các cơ quan chức năng, dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, đặc biệt là vào thời điểm thiếu tôm nguyên liệu.
Hiện các thị trường lớn và khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ hay EU đang và sẽ áp dụng biện pháp thắt chặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng thủy sản NK, trong đó có tôm. Điều này phản ánh thực tế là người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch. Ngoài ra, đây cũng là hàng rào phi thuế quan mà các nước NK đưa ra để bảo vệ nông dân nước họ.
Cụ thể, đầu tháng 11, Nhật Bản quyết định áp dụng kiểm tra 100% sản phẩm tôm NK từ Việt Nam bởi phát hiện một số lô tôm XK sang thị trường này nhiễm dư lượng thuốc diệt cỏ Trifluralin. Cuối tháng 11, Hoa Kỳ công bố Luật sửa đổi Luật Liên bang về An toàn thực phẩm đã được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua, theo đó Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) sẽ có nhiều quyền hạn hơn trong kiểm tra và giám sát chặt chẽ các nhà sản xuất và kinh doanh thực phẩm, cũng như ban hành các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cụ thể đối với các loại thực phẩm NK, trong đó có hàng nông sản của Việt Nam.
Vì thế, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề thật sự quan trọng, quyết định sự sống còn của nghề nuôi và chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam. Do đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người nuôi tôm cần liên kết, phối hợp hành động và có thái độ nghiêm túc đối với vấn đề này để đảm bảo sự phát triển bền vững.