Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê được giá lại mất mùa
10 | 01 | 2011
Cà phê được giá nhưng nông dân Tây Nguyên lại đang xuýt xoa tiếc vì mất mùa.

Giá tăng

Niên vụ 2010-2011 được xem là khác lạ trong lịch sử hàng chục năm qua của ngành cà phê VN. Bước vào vụ thu hoạch (tháng 10.2010), giá cà phê ổn định ở mức khá cao, khoảng 30.000 đồng/kg, trong khi thông lệ đầu vụ giá thường giảm. Cuối tháng 10, giá đã bắt đầu nhích lên 31.000 - 32.000 đồng/kg. Vào mùa thu hoạch rộ, giá cà phê càng tăng khiến cả người sản xuất và doanh nghiệp thu mua đều ngỡ ngàng.

Những ngày gần đây, giá mua cà phê liên tục đạt những cột mốc mới. Ngày 4.1, cà phê nhân xô trên địa bàn Tây Nguyên lên tới 37.300 đồng/kg, cà phê R1A ở mức 38.200 đồng/kg (giá thu mua cao nhất trong lịch sử là 40.000 đồng/kg). Ông Lê Đức Thống, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, nhận xét: “Cà phê đang nằm trong chiều hướng tăng giá của các loại nông sản trên thị trường thế giới. Hiện nay, giá cà phê xuất khẩu khoảng 2.000 USD/tấn, nếu giá xuất khẩu vượt qua mức 2.450 USD/tấn như hồi giữa năm 2008 thì giá mua cà phê nội địa sẽ vượt mức kỷ lục 40.000 đồng/kg”. Theo ông Thống, nhiều yếu tố góp phần tăng giá cà phê vụ này, trong đó có việc người sản xuất ít bán ồ ạt hơn trong vụ thu hoạch.

Tuy vậy, nhiều nông dân đã phải bán một lượng khá cà phê ngay đầu vụ khi giá chưa lên cao để trang trải nợ nần, công thu hoạch và chi tiêu dịp cuối năm. Ông Lê Văn Khâm ở xã Ea Na, H.Krông Ana (Đắk Lắk) tỏ ra tiếc rẻ khi nghe nhắc đến giá cà phê. Vụ này, với vườn cà phê 5 ha chín sớm, ông Khâm thu hoạch được hơn 10 tấn nhân. Do nóng lòng muốn mua ô tô, ông đem bán tất cả số cà phê thu được cách nay một tháng với giá 33.000 đồng/kg. Ông nhẩm tính: “Tính với giá hiện nay thì tôi mất đứt gần 50 triệu đồng do bán khi giá chưa tăng”.

Vụ mùa thất bát

Một điều khác lạ nữa trong vụ cà phê 2010-2011 là năng suất, sản lượng ở nhiều địa bàn chuyên canh giảm sút ngoài dự báo. Ea Pốk được xem là một trong những vùng cà phê năng suất cao của huyện Cư Mgar (Đắk Lắk), với hơn 2.000 ha, bình quân hằng năm đạt từ 2,5 - 3 tấn/ha. Thế nhưng, theo ông Bùi Thanh Thịnh, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk, năm nay năng suất cà phê trong vùng chỉ khoảng

1,5 tấn/ha. “Với năng suất này, nhiều hộ trồng cà phê đã bị lỗ nặng do chi phí đầu tư cho vườn cây cao hơn mọi năm”, ông Thịnh cho biết. Nhiều vùng chuyên canh cà phê khác như Krông Pắk, Buôn Hồ, Krông Ana… cũng chịu cảnh vụ mùa thất bát. Ông Nguyễn Viết Lượng, một người trồng cà phê hơn 20 năm ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk lý giải, mất mùa chủ yếu do thời tiết không thuận lợi vào đầu niên vụ, hạn hán kéo dài vào thời kỳ cà phê ra hoa, sau đó mưa lớn khiến hoa hư hại, cà phê dù đậu quả nhưng nhân bị lép, hoặc chỉ có nhân đơn. Vì vậy, ở nhiều vùng, vườn cây ban đầu được đánh giá khá tốt nhưng khi thu hoạch lượng cà phê nhân lại thấp.

Không chỉ cà phê của nông hộ mà vườn cây của nhiều doanh nghiệp ở Đắk Lắk vụ này cũng bị cảnh giảm năng suất. Ông Trần Xuân Bính, Giám đốc Công ty cà phê Buôn Hồ, cho hay năng suất bình quân hơn 600 ha cà phê của đơn vị chỉ đạt chừng 2 tấn/ha, bằng 2/3 so với dự kiến đầu vụ. Một giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu ở Đắk Lắk cho rằng, do còn trong vụ thu hoạch nên chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng ghi nhận qua hoạt động thu mua, tỷ lệ mất mùa cà phê ở tỉnh này ít nhất cũng hơn 10%. “Niên vụ 2009-2010, Đắk Lắk đạt sản lượng 380.300 tấn cà phê nhân; vụ này nếu mất mùa khoảng 10%, thì theo giá hiện tại người trồng cà phê Đắk Lắk bị thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng”, doanh nhân này nói.

Sản lượng cà phê VN giảm

Trong tháng 12.2010, Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) đã đưa ra dự báo, sản lượng cà phê VN niên vụ 2010-2011 có thể giảm 2,8%, từ 18 triệu bao xuống 17,5 triệu bao (bao 60 kg). Trước đó, trong tháng 9.2010, ICO dự báo sản lượng cà phê VN tăng 4%, lên 18,73 triệu bao. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, sản lượng cà phê cả nước giảm 15% so với niên vụ trước.

 



Theo Thanh Niên
Báo cáo phân tích thị trường