Ngoài ra, các hiệp hội như Hội Thủ công mỹ nghệ và chế biến Gỗ TP HCM, nhập gỗ chế biến của hiệp hội Gỗ Bình Định… có thể làm đầu mối nhập khẩu cho doanh nghiệp thành viên.
Đại diện BTM cho rằng, Bộ không chủ trương chỉ định đầu mối nhập khẩu gỗ mà khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng mối liên kết chặt chẽ với nhau, tập trung nhập khẩu với khối lượng lớn để giảm giá thành. Điều này sẽ tránh được tình trạng độc quyền.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, thời gian qua, thị trường nguyên liệu không ổn định. Ông Trần Đức Mạnh, Giám đốc công ty Sadaco, cho biết, doanh nghiệp phải mua nguyên liệu qua nhiều khâu trung gian với giá cao, dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế của đồ gỗ VN giảm sút. Trong khi đó, hệ thống cung ứng nguyên liệu chưa đủ mạnh và thiếu tính định hướng của nhà nước.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific, cũng khẳng định, việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ đặc biệt khó khăn đối với doanh nghiệp có nhu cầu ít (từ vài chục đến vài trăm m3) vì chưa có nhà nhập khẩu nào lập ra vựa gỗ bán lẻ.
Báo cáo của Bộ Thương mại cũng thừa nhận, việc nhập khẩu gỗ hiện nay quá phân tán. Có đến 55 nhà nhập khẩu gỗ từ Malaysia với kim ngạch nhập khẩu là 59,5 triệu USD, 21 nhà nhập khẩu từ Campuchia với kim ngạch 28,9 triệu USD, 73 nhà nhập khẩu từ Lào với kim ngạch 28,4 triệu USD, 45 nhà nhập khẩu từ Indonesia với kim ngạch 17,3 triệu USD và 52 nhà nhập khẩu từ Mỹ với kim ngạch 16,7 triệu USD.