Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá gạo: ăn mắc, xuất rẻ
19 | 04 | 2011
Giá lúa tại ĐBSCL tăng ít nhất 10%, đẩy giá gạo bán lẻ tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg. Gạo xuất khẩu, theo tính toán của phía nước ngoài, lại đang rẻ khi doanh nghiệp ký hợp đồng bán giá thấp.

Sáng chủ nhật 17.4, chị Hoàng, nhà ở phường Tân Thuận Đông, quận 7 ghé cửa hàng gạo gần nhà để mua loại gạo nở xốp mà nhà chị vẫn thường ăn, thì mới biết giá bán đã tăng thêm 1.500 đồng. Theo chị Hoàng, cách nay hai tuần chị mua 10kg gạo loại này chỉ có 95.000 đồng, nhưng nay phải trả thêm 15.000 đồng nữa. “Tôi nghe nói các tỉnh miền Tây đang thu hoạch lúa mà không hiểu sao giá lại cao như vậy”, chị Hoàng thắc mắc.

Giá tăng 10%

Khảo sát tại thị trường TP.HCM, không chỉ gạo thường mà hầu hết các loại gạo khác đều tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg, như thơm Đài Loan từ 15.000 – 16.000 đồng lên 17.000 – 18.000 đồng/kg; thơm Thái 18.000 đồng, Jasmine 16.000 đồng, bụi sữa 20.000 đồng…

“Từ đầu tháng 4 đến nay, ngày nào giá gạo cũng tăng 50 – 100 đồng/kg. So với cuối tháng 3, giá gạo bán lẻ tăng ít nhất 10%”, chị Hải Khuyên, chủ cửa hàng gạo trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh cho biết thêm.

Tình trạng giá gạo tăng cũng diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long. Giữa tháng 3.2011, ông Đỗ Xuân Bang, giám đốc công ty Duy Hưng Thịnh (Sa Đéc, Đồng Tháp) nhận hợp đồng cung ứng 4.000 tấn gạo nguyên liệu cho đầu mối xuất khẩu với giá 8.150 đồng/kg (25% tấm) và 9.100 đồng/kg (5% tấm). Do thời điểm ký hợp đồng vào vụ thu hoạch chính, giá lúa gạo có xu hướng giảm nhẹ nên sau khi nhận tiền cọc, ông Bang chưa vội mua ngay. Qua đầu tháng 4, giá đột ngột nhích lên và tăng liên tục cho đến nay vẫn chưa dừng, khiến ông Bang phải chịu lỗ. “Chỉ trong hai tuần mà gạo nguyên liệu tăng trung bình 600 đồng, lên 8.700 – 9.700 đồng/kg tuỳ loại là quá bất thường”, ông Bang than.

Số liệu thống kê từ hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến ngày 1.4, doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 3,3 triệu tấn gạo, trong đó đã giao hơn 2 triệu tấn, trị giá trên 1 tỉ USD. Bình quân, mỗi tấn gạo xuất khẩu giá 476 USD.

Bà Nguyễn Thị Bông, thương lái ở An Giang nói tuần trước lúa thường còn ở mức 5.800 đồng, nay lên 6.300 đồng/kg mà không có để mua. Do áp lực mua gạo nguyên liệu xuất khẩu nhiều, nên giá tăng thêm 300 đồng, lên mức 8.200 đồng/kg. Trong khi đó, một số thương lái khác thì cho rằng, đây đang là thời điểm cuối vụ đông xuân, nông dân thấy thông tin thị trường tốt nên có tâm lý trữ lúa, do vậy càng làm sốt giá.

“Lúc này rất khó mua lúa, mà nếu có mua vô thì cũng không dám xay ra gạo lức bán ngay vì sợ hôm sau giá lên nữa, không mua lại được”, bà Bông nói.

Nước ngoài mua hời

Theo báo cáo của thương vụ Việt Nam tại Philippines, ngày 24.3.2011, thông qua hợp đồng Chính phủ, có 200 ngàn tấn được bán với giá 480 USD/tấn bao gồm cả phí vận chuyển, thanh toán sau 270 ngày sau khi hàng đến tại cảng Philippines. Đây là giá quá rẻ theo nhận định của cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA), vì nếu cộng các chi phí (theo họ tính) thì về tới cảng giá phải là 550 USD/tấn. Theo một số doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, trong số 1,5 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng giao từ tháng 4 trở đi, có tới hơn nửa triệu tấn bán thương mại với giá 430 – 450 USD/tấn (loại 5%) tấm, nhiều trường hợp bán gạo 25% dưới mức 400 USD/tấn. So với giá nguyên liệu tại mạn tàu từ 9.600 – 9.700 đồng/kg, thì doanh nghiệp chịu lỗ mỗi tấn từ 20 – 50 USD. Còn với giá hiện tại, thì mỗi tấn xuất đi, doanh nghiệp mất lời khoảng 40 USD.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường