Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thịt heo lên giá: Phần do đầu vào, phần bù rủi ro
27 | 04 | 2011
Trong ba tháng đầu năm, giá thịt heo hơi tăng mạnh lên 62.000 đồng mỗi ký, tăng 63%. Nếu so với hồi giữa năm ngoái, giá heo hơi tăng gấp đôi.

Giá thành tăng cao

Có khá nhiều nguyên nhân khiến thịt heo tăng giá. Xét về nguồn cung, đại diện cục Nông nghiệp cho rằng, tổng đàn heo giảm khoảng 4%, còn thông tin từ trung tâm thông tin bộ Công thương cho thấy, tình trạng khan hiếm cục bộ do heo điều chuyển từ Nam ra Bắc và xuất sang Trung Quốc. Xét về giá thành chăn nuôi, thịt heo khó lòng giữ giá khi giá đầu vào như thức ăn, thuốc thu y, xăng dầu, điện nước, lãi vay và lương công nhân đều tăng.

Theo tính toán của người chăn nuôi, với thời gian nuôi trung bình bốn tháng, giá thành mỗi tạ heo hiện nay vào khoảng 4,452 triệu. Ông Nguyễn Chí Công, chủ trại heo ở Hố Nai, Đồng Nai nói: “Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay”. Trong giá thành này, có 4,2 triệu là tiền giống, thức ăn, nhân công. Còn lại là lãi vay, với lãi suất trung bình mỗi tháng là 1,5%.

Mức giá cao như vậy, theo tính toán của người nuôi, mỗi tạ heo bán ra, lời khoảng 2 triệu đồng. Có người nuôi heo suốt 20 năm qua khẳng định, đây là lần đầu có mức lời như vậy.

Lời nhưng lo

Với những người nuôi có thâm niên và quy mô như ông Trần Quang Trung, ông Nguyễn Trí Công, lợi nhuận lúc này tuy cao nhưng là cái lợi trước mắt. Xét trong một quãng thời gian đủ dài, chưa chắc đã bù được rủi ro. Theo ông Trần Quang Trung, chủ trại heo ở Gia Kiệm, Thống Nhất, Đồng Nai, trong quý 1, giá thức ăn tăng 25% sau 22 lần điều chỉnh, thuốc thú y tăng 30%, giá con giống tăng gấp đôi, chưa kể điện, nước, chi phí nhân công, tiền vận chuyển đều tăng.

Thịt ba rọi, ba nấc giá

Tại các chợ Hoàng Hoa Thám, Bàu Cát, Bà Chiểu… sau 9 giờ sáng chỉ còn vài quầy bán thịt, do tiểu thương nghỉ sớm. Tại các siêu thị và cửa hàng Vissan, muốn mua thịt ba rọi, nạc dăm, thịt đùi thì phải đi từ sớm, sau 8 giờ sáng chỉ còn xương và thịt nhiều mỡ.

Chị Hằng ngụ ở đường D5 kể: “Ngày 25.4, 9 giờ sáng tôi ra chợ Văn Thánh, rảo khắp khu thực phẩm tươi sống không còn bán bất cứ loại thịt nào. Tôi đến Co.opmart Đinh Tiên Hoàng, thịt đùi và ba rọi hết sạch”. Do tỷ lệ ba rọi chỉ chiếm 7% và thịt đùi chiếm 14% trong mỗi con heo, mà người tiêu dùng lại ưa chuộng loại này, nên dù giá tăng cao, các chủ sạp bán thịt vẫn không mua được hàng bán.

Ở chợ Bến Thành, thịt ba rọi từ trước chỉ có một giá, nay chia làm 3 – 4 nấc giá khác nhau tuỳ theo tỷ lệ nạc dày hay mỏng, mỡ nhiều hay ít mà chênh nhau khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg. Bà Mai, bán thịt ở chợ Bến Thành cho biết: “Các tiệm cơm, quán ăn trước đây vẫn có thói quen lấy hàng vào buổi trưa để có giá rẻ hơn, nay cũng chấp nhận giá cao và mua ngay từ buổi sáng”.

Bich Nga

Biến động giá đầu vào, trong chừng mực nào đó, có thể được người chăn nuôi xử lý qua giá đầu ra. Ông Nguyễn Trí Công, chủ trại heo ở Hố Nai, Đồng Nai cho biết, giá mỗi ký heo hơi bán cho các đơn vị tiêu thụ lớn ở TP.HCM từ tháng 6.2010 tới cuối tháng 3.2011, ở mức 34.000 đồng. Trong lúc đó, giá thức ăn chăn nuôi từ cuối năm 2010 đã tăng lên, cộng vài biến động tỷ giá từ sau tết khiến cho giá thành mỗi ký heo hơi lên tới 36.000 đồng. Ông Công nhẩm tính: “Trong giai đoạn này, cứ bán một con heo 100kg, người chăn nuôi lỗ ít nhất 300.000 – 500.000 đồng”. Chính vì vậy đàn heo 8.000 con vào giữa năm 2010 của ông Công đã giảm còn 1.500 con vào thời điểm hiện nay.

Nhắc lại các đợt dịch trong năm 2010 như tiêu chảy hồi tháng 3, dịch tai xanh hồi tháng 6 và lở mồm, long móng hồi tháng 10, ông Trần Quang Trung dí dỏm so sánh, các đợt dịch trên đều có vắcxin phòng ngừa, nhưng dịch giảm giá kéo dài cả năm mới làm người chăn nuôi điêu đứng. Ông Trung nói: “Một khu vực có dịch bệnh lập tức thị trường đóng băng, giá heo giảm thê thảm, người chăn nuôi không cách nào gượng lại được nữa”. Ông Trung cho biết thêm, ông mất khoảng 1,2 tỉ đồng do dịch bệnh và giá giảm trong năm 2010. Theo ông Trung, khá nhiều trang trại ở Đông Nam bộ người mất ít vài trăm triệu, nhiều hàng tỉ đồng.

Ông Chung Kim, người có đàn heo lớn nhất khu vực Đồng Nai, Bình Dương cho biết: “Tôi có đàn heo nái 3.000 con, thương phẩm 10.000; có cả nhà máy thức ăn và như vậy là chăn nuôi khép kín rồi còn gì. Mấy năm nay chăn nuôi thua lỗ triền miên, nên bây giờ tôi quyết định chỉ nuôi nái bán con giống chứ không nuôi thương phẩm nữa”.



Theo SGTT
Báo cáo phân tích thị trường