Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đường nội yếu thế
04 | 05 | 2011
Đường nhập lậu ùn ùn tràn qua biên giới, không vay được vốn để mua nguyên liệu, các nhà máy đường trong nước phải hạ giá bán để lấy vốn sản xuất.

Bán tháo vì kẹt vốn, đường lậu tung hoành

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá bán đường hiện nay đã giảm so với đầu tháng 3 khoảng 1.000 đồng/kg. Nguyên nhân một phần do giá đường thế giới giảm mạnh, một phần do công tác chống buôn lậu không hiệu quả, đường nhập lậu ồ ạt với số lượng lớn. Vì vậy, mặc dù giá đường trong nước hiện đã giảm xuống còn 17.500 - 18.000 đồng/kg, nhưng vẫn cao hơn 500 đồng/kg so với đường nhập lậu.

Ông Hà Hữu Phái, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: “Giá tất cả hàng hóa trong nước đều tăng, chỉ có đường là giảm vì đường lậu tuồn vào quá nhiều mà không xử lý được. Do trốn được thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng, nên đường lậu rẻ hơn đường sản xuất trong nước là đương nhiên”.

Trước sức cạnh tranh của đường nhập lậu, để bán được sản phẩm, các doanh nghiệp trong nước buộc phải hạ giá bán. Chỉ có điều, phần lớn số đường được bán ra là sản phẩm tồn kho được sản xuất trong năm 2010 với giá mua nguyên liệu rất cao, vì vậy, với giá bán hơn 17.000 đồng/kg hiện nay, doanh nghiệp hầu như không có lãi.

Một nguyên nhân nữa khiến các doanh nghiệp phải hạ giá đường là do đường tồn kho nhiều, thiếu vốn thu mua nguyên liệu, lãi suất ngân hàng đã cao lại khó vay, nên các nhà máy buộc phải hạ giá, đẩy mạnh bán ra để có vốn duy trì sản xuất. Ông Hà Hữu Phái cho biết, trong tháng 4/2011, các doanh nghiệp cần tới 1.000 tỷ đồng để mua mía nguyên liệu sản xuất, nhưng khó vay vốn ngân hàng. Vốn sản xuất trong những tháng tiếp theo, doanh nghiệp chưa biết tìm ở đâu.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ cho rằng, ngoài đường nhập lậu, việc dự báo sai sản lượng đường trong nước, dẫn tới cấp quota nhập khẩu đường với khối lượng lớn là nguyên nhân khiến đường nội bị ép giá. Cụ thể, sản lượng đường vụ 2010-2011 có khả năng đạt 1,1 triệu tấn, vượt 170.000 - 200.000 tấn so với số liệu dự tính ban đầu của Bộ Công thương; cộng thêm 250.000 tấn trong quota nhập khẩu mà Bộ Công thương đã cấp cho cả năm nay, dự kiến lượng đường dư ra khoảng 80.000 tấn so với nhu cầu sử dụng năm 2011.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), lượng đường nhập khẩu 3 tháng đầu năm là 29.000 tấn (thấp hơn cùng kỳ năm trước 2.000 tấn). Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đường cho biết, họ không dám nhập khẩu đường vì giá bán có khi còn cao hơn giá đường sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất đường cũng cho rằng, không loại trừ giá đường thế giới đang bị giới đầu cơ làm giá. Trước tình hình này, ông Nguyễn Thành Long kêu gọi các doanh nghiệp không nên bán tháo đường, tránh khả năng rơi vào bẫy của giới đầu cơ. Dù vậy, rất khó để chặn đứng tình trạng này, một khi các doanh nghiệp chưa được tháo gỡ khó khăn về vốn.

Giãn thời gian nhập khẩu

Theo thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến trung tuần tháng 4, cả nước có 16/38 nhà máy đường phải tạm ngừng sản xuất, một phần vì hết vụ mía, một phần do không còn vốn để mua nguyên liệu. Đường rớt giá thê thảm cũng khiến doanh nghiệp thiếu mặn mà với việc sản xuất.

Giám đốc một nhà máy đường cho biết, vào lúc cao điểm thu hoạch mía, doanh nghiệp cần 2 - 5 tỷ đồng/ngày để mua mía, nhưng không thể vay nổi vốn ngân hàng. Vì vậy, doanh nghiệp đành hạ giá bán đường để có vốn sản xuất. Cũng theo vị giám đốc này, mỗi năm, doanh nghiệp ông được vay gần 100 tỷ đồng để mua mía nguyên liệu, tuy vậy, số tiền này mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Hà Hữu Phái cho biết, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương về toàn bộ khó khăn này, nhưng đến nay, vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

Chiều ngày 27/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Bộ Công thương, Bộ Tài chính về xuất nhập khẩu đường và cân đối cung cầu trong nước, thống nhất các giải pháp tháo gỡ. Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: “Các nhà máy đường sản xuất trong nước gặp khó khăn do đường tồn kho nhiều với lãi suất cao, chứ không phải do đường nhập khẩu. Lượng đường nhập khẩu hiện nay vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện liên bộ đã thống nhất sẽ trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất mía đường trong nước”.

Về phía Bộ Công thương, cơ quan này đang xem xét giãn thời gian thực hiện đến sau tháng 7 đối với số lượng quota nhập khẩu đường đã cấp nhưng chưa ký hợp đồng và mở L/C.



Theo Báo Đầu tư
Báo cáo phân tích thị trường