Theo bản báo cáo này, khuynh hướng Tây hóa ngày càng phát triển trong thói quen tiêu dùng và một số lượng lớn người nước ngoài sinh sống, là những yếu tố giúp Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng cho các sản phẩm cá hồi Chile. Đồng thời, ProChile cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam không có điều kiện thích hợp cho hoạt động nuôi cá hồi. Ngoài ra, bản báo cáo còn đề cập đến một thực tế rằng Chile có những tập đoàn lớn, sở hữu các nhà máy chế biến có thể gia tăng giá trị sản phẩm thủy sản; do vậy, các sản phẩm không chỉ được nhập khẩu để tiêu dùng, mà còn có thể dùng để tái xuất sang thị trường Nhật Bản và châu Âu.
Theo ProChile, chỉ 20% cá hồi được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam sử dụng cho mục đích tiêu dùng trong nước, do hầu hết các sản phẩm này đã được chế biến và được tái xuất. ProChile chỉ ra rằng hiện số liệu thống kê nhập khẩu từ GSO Việt Nam vẫn thiếu; vì vậy, Global trade Atlas là nguồn dữ liệu mà công ty này trích nguồn. Theo đó, Chile là nhà cung cấp lớn, chiếm 70% thị phần cá hồi nhập khẩu tại thị trường Việt Nam. Báo cáo cũng cho biết trong vài năm gần đây, người tiêu dùng cũng bắt đầu ưa thích mua đầu cá hồi để nấu canh.
Đại diện của ProChile cho biết: “Có một rào cản lâu đời trong văn hóa ẩm thực của từng quốc gia và gần đây, người ta khám phá ra rằng cá hồi tạo ra một hương vị khác biệt rất đặc trưng. Nhiều nhà nhập khẩu tiên phong đã nỗ lực bảo vệ thị trường ngách này và bắt đầu thu mua sản phẩm cá hồi từ những nhà cung cấp nước ngoài lớn với giá rẻ bởi ban đầu, người ta chỉ coi đầu cá hồi dùng trong sản xuất bột cá”. Người phát ngôn thương mại tại Chile cho biết: “Tại Việt Nam, các trung tâm tiêu dùng thủy sản chính tập trung ở những thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, nơi tập trung dân cư và vô số các nhà hàng, khách sạn”.
Dựa trên dữ liệu Global Trade Atlas, năm 2010, Việt Nam nhập khẩu 9,7 triệu USD cá hồi từ Chile, chiếm 74,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cá hồi của Việt Nam(13,1 triệu USD). Trong khi đó, năm 2009, quốc gia châu Á này chỉ nhập khẩu 5,7 triệu USD từ Chile, chiếm 64,4% tổng giá trị nhập khẩu cá hồi (8,8 triệu USD).
Với các sản phẩm cá hồi Đại Tây dương, năm 2010, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam đạt 2,3 triệu USD từ Chile, chiếm 72,4% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm này (3,2 triệu USD). Kim ngạch nhập khẩu năm 2009 từ Chile là 1,4 triệu USD. Báo cáo của ProChile cũng cho biết thêm trong giai đoạn 2009 – 2010, Việt Nam vẫn chưa nhập khẩu cá hồi Thái Bình Dương từ Chile.
Kim Dung/AGROINFO
Nguồn: fis.com