Đó là quy định tại Thông tư số 21/2011/TT-BCT vừa được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên ký ban hành. Thông tư trên chính thức có hiệu lực từ ngày 3/7.
Đối tượng áp dụng là các thương nhân Việt Nam kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh có tái xuất qua các tỉnh biên giới; cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý, xác nhận, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh nêu trên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo cam kết về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Thực phẩm đông lạnh quy định tại Thông tư này không bao gồm tạng gia súc, gia cầm.
Cụ thể, thương nhân phải duy trì một khoản tiền ký quỹ là 2 tỷ đồng tại kho bạc Nhà nước tỉnh nơi thương nhân đặt kho, bãi. Tuy nhiên, thương nhân sẽ được hưởng lãi suất trên khoản tiền ký quỹ theo quy định của kho bạc.
Theo quy định này, thương nhân có trách nhiệm thanh toán toàn bộ các chi phí để xử lý, làm sạch môi trường và tiêu hủy hàng hóa tạm nhập tái xuất tồn đọng quá thời hạn quy định. Trong trường hợp thương nhân không thực hiện thanh toán các chi phí theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, tiền ký quỹ dự phòng của thương nhân được sử dụng vào những việc kể trên.
Sau khi đã trả các chi phí theo quy định, thương nhân sẽ được hoàn trả lại toàn bộ số tiền ký quỹ hoặc một phần số tiền ký quỹ trong các trường hợp không được cấp mã số tạm nhập tái xuất; không tiếp tục hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất; bị thu hồi mã số tạm nhập tái xuất đã được cấp.
Ngoài ra, Thông tư còn quy định thương nhân kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh phải sở hữu kho bãi hoặc phải ký hợp đồng thuê, thời hạn tối thiểu là 3 năm đối với kho, bãi có sức chứa tối thiểu là 100 container lạnh loại 40 feet, diện tích tối thiểu là 1.500 m2. Kho, bãi được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào cứng.
Đồng thời kho, bãi phải có đủ nguồn điện (gồm điện lưới và máy phát điện dự phòng có công suất tương đương) và các thiết bị chuyên dùng kèm theo để vận hành các container lạnh theo sức chứa.