EU là thị trường lớn và quan trọng của cá ngừ Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng từ đầu năm tương đối ổn định ở mức 2 con số: 31,7% về khối lượng và 34,9% về giá trị, đạt 6.770 tấn và 24,1 triệu USD, luôn đứng ở vị trị thứ hai (sau Mỹ) về giá trị NK cá ngừ từ Việt Nam. Hiện có khoảng 21 DN trong cả nước XK cá ngừ sang thị trường EU, trong đó dẫn đầu về giá trị XK là công ty TNHH FOODTECH và công ty TNHH thủy sản Hải Long (Nha Trang) cùng đạt trên 4 triệu USD, tiếp đến là HAVUCO và công ty TNHH Tín Thịnh cùng đạt trên 3 triệu USD…
Cá ngừ XK sang thị trường này chủ yếu là sản phẩm cá ngừ nguyên liệu (mã HS 03) với 3.980 tấn, trị giá 17 triệu USD, chiếm tới 70,5% tổng giá trị XK cá ngừ sang EU trong 4 tháng đầu năm, tăng 30% - 35% cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2010; sản phẩm cá ngừ chế biến (mã HS 16) chiếm 29,5%, tăng 27% về khối lượng và 48,6% về giá trị.
Bốn tháng đầu năm 2011, cá ngừ chiếm tỷ trọng 6,14% trong cơ cấu XK thủy sản của Việt Nam sang EU, trong khi tại một số thị trường lớn như Mỹ và Nhật Bản, mặt hàng này lại chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng giá trị NK các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam, lần lượt là 25,6% và 8,6%. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các thị trường này lớn hơn so với tại EU. Vì vậy, các DN XK cá ngừ trong nước cần thúc đẩy sản xuất, chế biến đảm bảo chất lượng và tăng cường XK hơn nữa để sản phẩm cá ngừ Việt Nam không bị mất vị thế tại thị trường tiềm năng này và mang lại nguồn thu lớn cho đất nước.
Sang tháng 4/2011, khối lượng và giá trị XK cá ngừ sang EU có dấu hiệu giảm nhẹ, lần lượt là 8,8% và 1,3%, đạt 1.546 tấn và 5,6 triệu USD, chiếm 12,7% trong tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường; giá trung bình XK đạt 3,6 USD/kg, tăng 8,1% so với mức giá của năm 2010. Một số DN cho biết nguyên nhân của việc giảm giá trị XK cá ngừ sang EU chủ yếu do sản lượng đánh bắt cá trong nước không lớn, nhiều tàu thuyền hạn chế ra khơi do chi phí chuyến biển tăng cao như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, vật tư…,và nhiều DN phải NK nguyên liệu từ nước ngoài về để chế biến XK. Chi phí đầu vào tăng cao nên giá XK cá ngừ cũng được đẩy lên cao. Đầu ra cho sản phẩm vào thị trường EU gặp khó khăn do họ chưa chấp nhận mức giá mới nên khối lượng và giá trị XK có giảm so với trước. XK cá ngừ sang Italia - thị trường đơn lẻ đứng thứ hai trong khối EU (sau Đức) - sụt giảm tương đối mạnh về cả khối lượng và giá trị, tương ứng 94,5% và 93% so với cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó, giá trị XK sang Đức và Bỉ vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng khá, lần lượt là 36,3% và 60%.
Nhật Bản mặc dù phải liên tiếp hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai trong thời gian qua nhưng XK thủy sản của Việt Nam nói chung và cá ngừ nói riêng sang thị trường này không bị ảnh hưởng mà còn có phần khả quan hơn. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị XK cá ngừ sang Nhật tháng 4/2011 tăng trưởng vượt trội tới 3 con số, đạt 151,8%, với mức giá XK khá hấp dẫn 7,81 USD/kg, tăng gần 50%.
Bên cạnh Nhật Bản, XK cá ngừ sang Mỹ cũng tăng trưởng mạnh. Riêng tháng 4/2011, Việt Nam đã XK 3.223 tấn cá ngừ sang Mỹ, trị giá trên 23 triệu USD, tăng 18% về khối lượng và 73,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị tăng trưởng gấp 4 lần so với khối lượng cho thấy giá trung bình XK sang thị trường này có chiều hướng tăng cao, hiện đạt 7,15 USD/kg - tăng 47% so với mức giá năm 2010 - và đây là tín hiệu đáng mừng đối với các DN XK cá ngừ của Việt Nam.
Theo Vasep