Trong tuần qua, các quỹ đầu tư tiếp tục rút tiền khỏi thị trường hàng nông sản. Lượng tiền được rút ra trong tuần lớn nhất trong ba tháng, dẫn đầu là các hợp đồng lúa mì và cà phê, vì do căng thẳng về cung giảm trong lúc kinh tế toàn cầu vẫn cho thấy những dấu hiệu chững lại.
Theo thống kê của Bloomberg, các quỹ đầu tư đã giảm vị thế mua ròng ở 11 mặt hàng nông sản tại Mỹ xuống còn 674.396 hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn trong tuần kết thúc vào ngày 21/6, giảm 12% số hợp đồng. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ giữa tháng 3.
Các quỹ đầu tư cũng giảm 13% vị thế mua tại 18 hàng hàng hoá Mỹ xuống còn 1,13 triệu hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn, mức giảm lớn nhất kể từ 10/5.
Nhà đầu tư chuyển sang bán ròng do dự đoán giá nông sản sẽ giảm khi giá lúa mì giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11. Số hợp đồng nắm giữ cà phê giảm nhiều nhất với mức hạ 65%.
Giá lúa mỳ giảm 16% kể từ đầu tháng 6 và đang hướng đến tháng giảm lớn nhất kể từ 10/2008. Trong tuần qua, nhà đầu tư đã nắm 8.570 hợp đồng bán ra trong khi có 7.558 hợp đồng mua vào tuần trước đó do Nga, nước xuất khẩu lúa mỳ lớn thứ hai thế giới sẽ rỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu từ 1/7, tăng thêm khả năng cung lúa mỳ thế giới sẽ dồi dào.
Chỉ số nông nghiệp Standard & Poor’s GSCI giảm tuần thứ ba liên tiếp khi chạm mức 456,16 điểm vào ngày 23/6.
Chỉ số S&P GSCI của 24 nguyên liệu thô trong tuần trước giảm 3,6%, tuần giảm thứ hai liên tiếp do đồng USD tăng giá 3 tuần liền so với 6 đồng lớn trong rổ tiền tệ, giảm sức hút của hàng hoá
Tình hình thời tiết tại Mỹ lạc quan đã tăng triển vọng đối với vụ mùa ngô và đậu tương cùng với thu hoạch lúa mỳ vào mùa đông. Ngoài ra, Cục dự trữ liên bang Mỹ cũng nhận định kinh tế Mỹ đang hồi phục với tốc độ khiêm tốn.
Theo Gafin