Ông Nguyễn Lữ Hiền, ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân (Cà Mau), có 7.000 m2 đất nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao. Sau vụ đầu nuôi thất bại, ông cải tạo ao đầm theo đúng quy trình kỹ thuật được ngành chuyên môn hướng dẫn.
Sau khi bắt giống về ương dưỡng 40 ngày, ông mới thả vào vuông nuôi đã được diệt tạp và xử lý nước, với mật độ hơn 3 con/m2, sử dụng chế phẩm sinh học theo định kỳ và bổ sung thức ăn cho tôm. Sau 4 tháng rưỡi, ông thu hoạch với sản lượng khoảng 700 kg, loại tôm hơn 31 con/kg. Với giá cả hiện nay, ông thu nhập hơn 100 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí hơn 20 triệu đồng, ông còn lời 80 triệu đồng.
Ông Hiền cho biết: "Nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao không khó. Điều cần thiết là xây dựng đầm nuôi phải đúng kỹ thuật, có ao lắng nước, sử dụng chế phẩm sinh học và cho ăn đúng thời điểm. Điều quan trọng là người nuôi phải siêng năng thì khả năng thành công cao hơn".
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Võ Trường Giang cho biết: "Thực hiện Đề án nâng cao năng suất tôm - lúa, huyện Phú Tân phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện có gần 1.400 ha đất nuôi tôm công nghiệp, năng suất bình quân 6 tấn/ha/năm, định hướng đến năm 2020, toàn huyện có 2.158 ha, năng suất bình quân 7,5 tấn/ha. Để làm cơ sở vững chắc cho nông dân tiến đến nuôi tôm công nghiệp, huyện Phú Tân chỉ đạo thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao. Trong quá trình này, nông dân sẽ tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm để nuôi tôm công nghiệp".
Hiện nay, toàn huyện có hơn 1.860 ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, tăng gấp đôi so năm trước. Năng suất thu hoạch mỗi vụ bình quân 450 kg/ha, cao hơn nhiều so với nuôi quảng canh truyền thống.
Nếu nuôi tôm công nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro thì nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao ít rủi ro hơn. Nếu nuôi tôm công nghiệp một vốn một lời thì nuôi quảng canh cải tiến năng suất cao một vốn bốn lời. Đây còn là một bước đi thận trọng và vững chắc để nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên khá giàu trong điều kiện ít vốn và chưa đầy đủ về kỹ thuật.
Theo báo Cà Mau