Sau một thời gian dài tăng nóng do chính sách nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), giá các loại hàng hóa nguyên liệu đang bước vào chu kỳ giảm giá.
Cuối tuần, chỉ số Standard & Poor's GSCI Spot Index của 24 loại nguyên liệu thô đóng cửa ở mức 644,31 điểm, thấp hơn 12,84% so với mức cao nhất trong 52 tuần thiết lập vào ngày 11/4.
Chỉ số Thomson Reuters/Jefferies CRB của 19 loại hàng hoá nguyên liệu thô giao dịch tại Mỹ cũng giảm xuống còn 336.71 điểm, thấp hơn 9.17% so với mức cao nhất trong 52 tuần được thiết lập vào ngày 2/5.
Chi phí vay USD rẻ nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của FED đã kích thích các ngân hàng và các quỹ đầu cơ đổ tiền mạnh vào các loại hàng hóa nguyên liệu, khiến giá cả các mặt hàng nguyên liệu thô tăng vọt trong vòng một năm qua.
Tuy nhiên, hiện tượng đầu cơ giá nông sản bắt đầu chu kỳ suy giảm khi chủ tịch FED đưa ra "tín hiệu" chấm dứt gói nới lỏng định lượng II vào cuối tháng 6.
Đồng USD chấm dứt đà suy giảm trong suốt hơn một năm qua so với các đồng tiền chính như đồng euro, bảng Anh, yên Nhật vào đầu tháng 5. Giá USD tăng trở lại đồng nghĩa với việc giá các loại hàng hóa nguyên liệu tính bằng đồng USD sẽ trở nên rẻ hơn.
Trong một báo cáo mới nhất của ngân hàng Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư của Mỹ rất mạnh về mảng đầu cơ hàng hóa, đưa ra dự báo giá ngô và lúa mì, hai loại lương thực chính của thế giới, sẽ giảm 26% trong vòng 3 tháng tới.
Dự báo của Goldman Sachs dựa trên báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy lượng dự trữ của Mỹ - quốc gia trồng và xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới - rất dồi dào và diện tích trồng tăng gần 2% so với dự báo của giới phân tích trước đó. USDA viết, đây là vụ mùa lớn thứ hai kể từ năm 1944, với diện tích ngô lên tới 92,2 triệu arces.
Giá ngô tăng cao, tăng gấp đôi trong vòng một năm qua, là nguyên nhân chính kích thích nông dân Mỹ đẩy mạnh diện tích trồng ngô do kỳ vọng thu được lợi nhuận lớn nhờ giá tăng cao.
Cũng như các mặt hàng nông sản khác được giao dịch trên các thị trường hàng hóa của Mỹ, giá ngô hay các mặt hàng nông sản khác như lúa mì, đậu tương chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chính sách tiền tệ của FED và hoạt động đầu cơ của các quỹ đầu tư hàng hóa. Chính sách nới lỏng tiền tệ chấm dứt, chu kỳ tăng giá mạnh mẽ của các loại hàng hóa, nguyên liệu thô cũng sẽ kết thúc.
Goldman Sachs dự báo giai đoạn 6 tháng tới, giá ngô dự báo đạt bình quân 5,75 USD/bushel và giai đoạn 12 tháng là 5,7 USD/bushel, so với 7,8 USD và 7 USD/bushel dự báo cách đây 2 tháng. Giá lúa mì trong 6 tháng tới là 6 USD và 6,2 USD trong 12 tháng tới, thay vì 8,35 USD trong giai đoạn 6 – 12 tháng theo dự báo cũ.
Theo DVT