Bà Yingluck Shinawatra có được kết quả này một phần là nhờ sự thuyết phục thành công hơn 27 triệu người dân sống nhờ vào cây lúa trong tổng số 67 triệu người dân Thái. Trong quá trình tranh cử, đảng Dân chủ của ông Abhisit Vejjajiva đã cam kết sẽ duy trì chương trình “đảm bảo giá” lúa gạo, theo đó bù đắp cho người dân phần chênh lệnh giá nếu phải bán lúa cho nhà xay xát với giá thấp hơn giá thị trường, hiện là 11.000 baht (358 đô la)/tấn.
Trong khi đó đảng Puea Thai, của bà Shinawatra cam kết sẽ can thiệp tích cực hơn nếu giành được chiến thắng, bằng cách sẽ mua trực tiếp từ nông dân với giá 15.000 baht (488 đô la)/tấn lúa, cao hơn khoảng 7.000 - 8.000 baht/tấn so với giá thị trường hiện nay.
Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy đảng Puea Thai giành chiến thắng, và điều gì sẽ xảy ra với thị trường lúa gạo Thái Lan và thế giới?
Các thương gia cho rằng với giá thu mua 15.000 baht/tấn lúa của chính phủ Thái như bà Shinawatra cam kết thì giá xuất khẩu gạo Thái sẽ tăng lên 850 đô la – 870 đô la mỗi tấn, cao hơn rất nhiều so với mức 525 đô la/tấn hiện nay.
Và điều đó tất yếu sẽ đẩy giá gạo Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới – tăng theo. Hiện giá gạo Việt Nam dưới 500 đô la/tấn.
Reuters dẫn lời ông Rakesh Sodhia, Giám đốc điều hành công ty thương mại Ấn Độ ở Bangkok, Fortuna International Ltd, cho rằng: “Giá can thiệp cao như vậy là điều không hay, bởi sẽ đẩy tăng nhu cầu một cách giả tạo, và sẽ xua đuổi khách hàng khỏi thị trường”.
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan cho rằng: “Điều đó có nghĩa là xuất khẩu gạo Thái sẽ sụp đổ bởi không còn ai muốn mua gạo của chúng ta nữa. Họ sẽ chuyển hướng sang các xuất xứ khác”.
Một số người cho rằng việc giá xuất khẩu gạo Thái vượt 800 đô la/tấn có thể làm giảm tới 5 triệu tấn gạo xuất khẩu từ Thái Lan.
Mỗi năm Thái Lan xuất khẩu 8-10 triệu tấn gạo, tạo thu nhập 6 tỉ đô la, và là phần quan trọng trong tổng mức 12% GDP mà lĩnh vực nông sản đóng góp cho nền kinh tế nước này. Chi phí cho việc lưu kho lượng gạo khổng lồ đó cũng sẽ rất lớn.
Việc xuất khẩu gạo Thái giảm 5 triệu tấn sẽ khiến Thái Lan mất ngôi vị xuất khẩu gạo lớn nhất về tay Việt Nam – nước hiện xuất khẩu khoảng 6 -7 triệu tấn mỗi năm. Theo luật bầu cử Thái Lan, các bên có 50 ngày để thành lập Chính phủ, như vậy có thể vào đầu tháng 9 tới sẽ có một chính phủ mới, thực tế có thể là sớm hơn thế.
Mặc dù vậy, bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách sẽ chưa có tác động mạnh ngay lập tức tới thị trường gạo. Ông Korbsook Iamsuree, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, cho rằng “ảnh hưởng tới thị trường sẽ xảy ra vào tháng 11 hoặc sớm hơn một chút”.
Vụ thu hoạch lúa chính tiếp theo ở Thái sẽ bắt đầu vào tháng 11 và chính phủ thường bắt đầu chương trình hỗ trợ nông dân ở thời điểm đó, khi nguồn cung gia tăng thường đẩy giá giảm xuống. Thái Lan sản xuất khoảng 23 triệu tấn lúa trong vụ chính.
Giữa tháng 6, hoạt động mua đầu cơ đã có lúc đẩy giá gạo Thái tăng 8% lên 560 đô la/tấn. Tuy nhiên, vào cuối tháng giá đã giảm về 525 đô la/tấn.
Tuần vừa qua, giá gạo trong nước và xuất khẩu của Thái Lan lại đã tăng nhẹ, thêm khoảng 3-7% mặc dù đồng baht Thái tiếp tục giảm giá xuống chỉ 30,40 baht/đô la. Đó là do hoạt động đầu cơ của các nhà xay xát và các thương gia, với hy vọng giá sẽ tăng mạnh khi đảng của bà Yingluck Shinawatra trúng cử. So với đầu năm, giá gạo Thái hiện vẫn thấp hơn khoảng 5%.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần qua cũng tăng, bởi nhu cầu xuất khẩu tăng.
TBKTSG online