Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
5 triệu hộ bỏ nuôi lợn
14 | 07 | 2011
Trước tình hình giá thực phẩm, nhất là thịt lợn tăng đột biến, ảnh hưởng mọi mặt của đời sống, hôm qua (12.7), Bộ NNPTNT đã có cuộc họp khẩn để tìm nguyên nhân và biện pháp “hạ nhiệt”.

Mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), từ tháng 7.2010 đến nay giá thịt lợn tăng 70-100%, giá gia cầm tăng 40-60%.

Đặc biệt, trong 3 tháng trở lại đây, giá đã tăng với chiều hướng rất nhanh, giá thịt lợn hơi ở miền Nam 62.000 đồng/kg, còn ở miền Bắc dao động 65.000-70.000 đồng/kg. Với mức giá như trên, theo ông Dương là cao hơn Thái Lan (giá thịt lợn ở nước này là 2,8-2,9 USD/kg) và ngang bằng với giá của Trung Quốc (65.000 đồng/kg).

Ông Dương cho rằng: “Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng giá thực phẩm tăng mạnh là sự mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê mới nhất, chỉ trong một vài năm trở lại đây, nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ đã bỏ hẳn nghề, nên số hộ chăn nuôi đã giảm từ 8 triệu xuống còn 3 triệu hộ, còn số đầu lợn liên tục giảm qua các năm”.

Đồng tình với đánh giá của ông Dương, ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho rằng:

“Có thể khẳng định đây đang là thời điểm đỉnh của cầu và đáy của cung. Chăn nuôi đang tụt về số lượng vật nuôi, như Hà Nội hiện chỉ còn 1,5 triệu con lợn so với 1,7 triệu con của năm 2010. Tôi đã đi kiểm tra các trang trại ở Hà Nội và thấy một hộ nuôi lợn thịt thời điểm này có thể lãi tới 2 triệu đồng/con. Nhưng ngay cả chủ trang trại cũng không dám đầu tư thêm, thậm chí có nhiều hộ gia đình bỏ chuồng, vì họ không thể vay được vốn để tái đàn”.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết: “Đa số người chăn nuôi không vay được vốn từ ngân hàng vì ngân hàng ngại đầu tư vào lĩnh vực có nhiều rủi ro này. Thậm chí, cho dù có vay được vốn, thì với mức lãi suất đang ở mức 22-25%, người chăn nuôi không thể chịu đựng được. Chưa kể các chi phí khác như phòng, chống dịch bệnh, điện…”.

Phải cung cấp thông tin đúng sự thật

Để ổn định thị trường, bà Trần Thị Miêng - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Hai thành phố là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cần có chương trình bình ổn giá, tăng cường số điểm bán hàng lưu động để đáp ứng đủ nguồn cung”.

Vốn đầu tư cho chăn nuôi bây giờ rất khó khăn, người chăn nuôi không tiếp cận được nguồn vốn, nên muốn tái đàn cũng chịu.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đề nghị: “Cục Chăn nuôi và các ngành liên quan cần xem lại con số thống kê, nắm rõ tình hình để cung cấp đúng số liệu cho người nông dân và người tiêu dùng, không được đưa ra những con số thiếu chuẩn xác, làm nhiễu loạn thị trường”.

Mặt khác, theo ông Phát: “Ngành chăn nuôi phải có biện pháp tăng nguồn cung thông qua việc đẩy mạnh tái đàn. Trước mắt, phải đảm bảo lưu thông, điều hoà thị trường trong nước, một số biện pháp về kiểm dịch cần được nới lỏng”.

Về vốn đang gây khó cho chăn nuôi, ông Cao Đức Phát thừa nhận: “Đúng là với lãi suất tới 25%/năm, thì không ai dám vay vốn để nuôi lợn cả. Trong vài ngày tới, tôi sẽ trực tiếp làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị cung cấp tín dụng cho người chăn nuôi”.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường