Gần đây, nhiều thương nhân Trung Quốc đã không còn là đối tác nhập hàng Việt Nam đơn thuần như trước mà họ tăng cường tham gia vào các chuỗi liên kết với các thương nhân trong nước.
Chị Thu, chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên về xuất khẩu trái cây ở tỉnh Bến Tre, hiếm khi có mặt ở cơ sở bao gói. Ngoài tỉnh nhà, chị hầu như luôn phải rong ruổi trên các chuyến xe đi khắp các tỉnh lân cận để tìm mua trái cây các loại, thỏa thuận thanh toán xong chị đưa hàng về cơ sở ở Bến Tre để đóng gói, rồi chở lên cảng TPHCM để lên tàu hoặc xe chuyển ra phía Bắc. Hàng được giao cho khách tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn.
Theo chị Thu, so với sức mua của khách thì với số hàng chị giao vài chuyến xe tải một tuần chẳng thấm vào đâu. Vậy là, sau nhiều năm làm ăn giờ chị đã có vài mối hàng “ăn chắc mặc bền” ở Trung Quốc, lãi từ các chuyến hàng ra phía Bắc cũng giúp chị có thêm vốn liếng đầu tư mở rộng nhà xưởng, cơ sở chế biến khá hiện đại, có thể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Trường hợp của chị Thu không phải cá biệt ở các tỉnh ĐBSCL. Kết nối với mạng lưới thương lái, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam là một trong những phương thức kinh doanh được thương nhân Trung Quốc áp dụng khá phổ biến hiện nay nhằm sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho thị trường Trung Quốc.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu sang Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm đã tăng đến 40% so với cùng kỳ. Các mặt hàng khá đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là nông sản, thực phẩm, từ cao su, tiêu, điều, trái cây, sắn cho đến thịt heo, đường.
Tình hình xuất hàng nhộn nhịp qua biên giới trong vài tháng gần đây cũng được ông Nguyễn Văn Hội, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại miền núi, Bộ Công Thương, xác nhận.
“Hàng nông sản Việt Nam chở đến biên giới bao nhiêu đều gần như được thương nhân Trung Quốc mua hết bấy nhiêu và mua với mức giá khá cao nên tình hình mua bán qua cửa khẩu khá sôi động”, ông nói.
Một điểm mới trong phương thức mua bán giữa thương nhân Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian gần đây, theo ông Hội, là liên kết theo chuỗi và hỗ trợ lẫn nhau trong mạng lưới phân phối hàng nông sản xuất khẩu.
Cụ thể, trong hình thức hợp tác mới này, thương nhân Trung Quốc ứng trước tiền cho thương lái Việt Nam, đặt một vài mặt hàng nhất định, có cả bao tiêu sản phẩm. Đến vụ thu hoạch, phía Việt Nam chỉ cần bao gói và đưa lên xe, chở đến giao ở cửa khẩu. Nông dân Việt Nam cũng nằm trong mắt xích này, được thuê để gia công, chăm sóc, thu hoạch nông sản. Bù lại họ được đảm bảo giá mua cao.
“Nếu như trước đây các doanh nghiệp chế biến nông sản, thương nhân, thương lái thường tranh mua hàng hóa, nguyên liệu, gây ra biến động, ách tắc ở cửa khẩu, thì hiện nay việc mua bán giữa hai nước qua biên giới được cải thiện đáng kể. Thậm chí có thương nhân Việt Nam giờ đứng ra làm người đại diện cho phía Trung Quốc để đặt mua, vận chuyển hàng…”, ông nói.
Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước từ cao su, tiêu, điều, gỗ nguyên liệu cho đến thịt heo, đường… được thương nhân Trung Quốc mua mạnh. Có mặt hàng họ tự đến vùng nuôi và sản xuất để đặt mua, có mặt hàng do chính thương lái trong nước mua gom rồi đưa lên xe, chở qua biên giới.
Cách thức mua bán của thương nhân Trung Quốc phổ biến là thanh toán tiền mặt, “thuận mua vừa bán” khá nhanh chóng, nên được nông dân lẫn thương lái ưa chuộng. Với cách làm này, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước sẽ bị yếu thế khi họ chỉ có thể thanh toán gối đầu trong thời gian chờ khách hàng nước ngoài thanh toán đơn hàng.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Hội, sự yếu thế của các doanh nghiệp chế biến trong nước còn do là sự thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân qua việc tuân thủ các hợp đồng thương mại được ký kết. Chính điều này đã tạo cơ hội cho thương nhân Trung Quốc “chen chân” vào.
Nếu các doanh nghiệp chế biến trong nước không kịp thời có giải pháp ứng phó với tình hình này, liệu nguồn nguyên liệu nông sản có còn để các doanh nghiệp trong nước hoạt động?
Theo Thái Hằng
TBKTSG