Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thực trạng ngành tôm Việt Nam và những đề xuất
26 | 07 | 2011
Tại Hội nghị Toàn thể Hiệp hội VASEP năm 2011, ông Lê Văn Quang đã có bài phát biểu quan trọng đánh giá thực trạng ngành tôm Việt Nam, đề xuất những kiến nghị và giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng quan trọng này.

Hơn một thập kỷ qua, ngành tôm Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc, đưa Việt Nam vào hàng ngũ các nước XK tôm lớn nhất thế giới, đem về nguồn ngoại tệ ngày càng lớn cho đất nước. Cùng với sự phát triển của nghề nuôi tôm công nghiệp, hàng loạt nhà máy chế biến tôm XK đã ra đời. Công nghệ chế biến tôm Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thông qua sự gia tăng tỉ trọng của các sản phẩm chế biến GTGT.

Tuy nhiên, hiện nay, sự phát triển của ngành tôm Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn, tập trung trong những vấn đề sau đây.

- Giá nguyên liệu đầu vào quá cao

- Giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam đang cao hơn so với các nước trong khu vực 1,0 – 1,5 USD/kg, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động chế biến XK và khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thế giới.

Nhưng do sản xuất chưa ổn định và nghề nuôi còn kém bền vững, nên có nghịch lý là người nuôi tôm lại không thật sự được hưởng lợi từ mức giá cao này.

Có thể nêu một số nguyên nhân chính gây nên tình trạng này, gồm chất lượng tôm giống thấp; sản xuất nuôi tôm manh mún, kỹ thuật thấp; giá thức ăn cao và không được kiểm soát.

- Chất lượng tôm giống thấp

Người nuôi tôm hiểu rất rõ, giống tốt là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả nuôi tôm. Vì thế, cải thiện chất lượng giống đã được xác định là một trong các mục tiêu quan trọng nhất trong định hướng phát triển thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay chưa có cơ sở nào ở Việt Nam được đầu tư đúng mức để nghiên cứu gia hóa, chọn lọc di truyền và sản xuất tôm bố mẹ chất lượng cao, sạch bệnh (SPF) phục vụ cho sản xuất. Việc kiểm soát NK tôm bố mẹ, đặc biệt là tôm chân trắng (TCT), chưa chặt chẽ nên rất nhiều tôm bố mẹ chất lượng thấp, giá rẻ, được đưa vào Việt Nam để sản xuất giống.

Thậm chí, một số trại còn sử dụng tôm từ ao nuôi thương phẩm để làm tôm bố mẹ, nhằm giảm giá thành mà không quan tâm đến sự nhiễm bệnh và sự sinh sản cận huyết của quần đàn tôm.

Kết quả là thị trường tôm giống trở nên hỗn loạn, một lượng tôm giống chất lượng kém, không sạch bệnh và đồng huyết được tung ra thị trường với giá rất rẻ so với tôm sản xuất từ nguồn tôm bố mẹ SPF, chất lượng cao nhập từ các công ty chuyên sản xuất tôm bố mẹ nổi tiếng của thế giới. Chính nguồn tôm giống chất lượng kém này là nguyên nhân dẫn đến bất ổn cho nghề nuôi tôm Việt Nam, tôm nuôi chậm lớn, dịch bệnh lan tràn.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên ngành tỏ ra lúng túng trong phương thức quản lý chất lượng con giống, chỗ thì buông lỏng, chỗ thì chồng chéo nhau, qui định không thống nhất, mỗi tỉnh làm một kiểu. Do đó hiệu quả quản lý rất kém, nhiều kẽ hở, không quản lý được các trại gống kém chất lượng, gây khó khăn cho các công ty, trại giống làm ăn chân chính.

Ngoài ra, hệ thống các phòng xét nghiệm bệnh tôm chưa được chuẩn hóa, kết quả xét nghiệm không chính xác dễ gây hoang mang cho người nuôi và người sản xuất giống. Điều này cũng góp phần làm gia tăng chi phí xét nghiệm và đôi khi gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất giống.

- Nuôi tôm manh mún, kỹ thuật nuôi thấp

Nghề nuôi tôm thực chất là một nghề nông nghiệp kỹ thuật cao, hay chính xác hơn là một hoạt động công nghiệp, đòi hỏi mức đầu tư tương đối lớn và trình độ quản lý kỹ thuật, tài chính cao hơn so với các ngành nông nghiệp khác. Trong khi đó, hoạt động nuôi tôm của Việt Nam lại rất manh mún, làm ăn nhỏ lẻ với hàng triệu hộ gia đình nuôi, mỗi hộ một vài ao. Do vậy sẽ khó có điều kiện áp dụng kỹ thuật cao để có kết quả ổn định và bền vững. Việc sản xuất nhỏ lẻ làm cho giá thành sản xuất cao, nên mặc dù giá bán tôm nguyên liệu cao, người nuôi vẫn chỉ có lợi nhuận rất thấp và nhiều rủi ro.

Qui hoạch nuôi tôm không bài bản và chưa được đầu tư đúng mức (ví dụ, thiếu đầu tư cho thủy lợi). Do vậy, việc quản lý vùng nuôi và kiểm soát chất thải gây ô nhiễm và dịch bệnh gần như không thể thực hiện được.

Đồng thời, tôm nguyên liệu gom từ nguồn manh mún như vậy sẽ có chất lượng không đồng nhất, rất khó kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh bị cấm và không thể truy xuất được nguồn gốc. Nguồn nguyên liệu như vậy rất khó sử dụng để chế biến hàng XK cao cấp nên hiệu quả chế biến XK không cao, làm cho các nhà chế biến XK khó đạt hiệu quả tốt.

- Giá thức ăn tôm luôn tăng, không được kiểm soát

Đây là yếu tố rất quan trọng làm tăng giá thành tôm nuôi của Việt Nam. Giá thức ăn nuôi tôm ở Việt Nam cao hơn hầu hết các nước trong khu vực và lĩnh vực này gần như hoàn toàn nằm trong tay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Giá thức ăn liên tục tăng mà chưa thấy có biện pháp quản lý nào hiệu quả để bảo vệ người nuôi tôm.

- Cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua, chế biến, XK

Do khó khăn trong khâu nguyên liệu, các nhà máy phải cạnh tranh khốc liệt, đồng thời phải không ngừng cải tiến kỹ thuật chế biến hiệu quả hơn để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như vậy. Một số nhà máy có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như bơm chích tạp chất. Nhiều nhà máy có qui mô quá nhỏ, không có điều kiện đầu tư công nghệ mới nên phải sản xuất hàng kém chất lượng để với giá rẻ, làm mất uy tín bán tôm Việt Nam trên thị trường thế giới...

Đề xuất giải pháp

Mặc dù có nhiều thách thức như đã nêu, chúng ta cũng vẫn có rất nhiều lợi thế và cơ hội để phát triển nếu có định hướng và đầu tư đúng đắn. Tôi đề xuất một số giải pháp sau đây.

Thứ nhất, cần có chiến lược phát triển lâu dài để chủ động nguồn tôm bố mẹ và nâng cao hiệu quả của nghề nuôi tôm Việt Nam. Cụ thể là:

• Khuyến khích phát triển và đẩy nhanh các chương trình gia hóa và chọn lọc di truyền cho cả 2 đối tượng tôm nuôi chủ lực là tôm sú và TCT.

• Giảm số lượng, nâng cao công suất trại giống, vì chỉ những trại lớn mới đủ sức đầu tư nâng cấp kỹ thuật để sản xuất ra con giống chất lượng cao, sạch bệnh, đồng thời việc quản lý chất lượng giống đơn giản và hiệu quả hơn.

• Chuẩn hóa các thủ tục hành chính trong quản lý, bảo đảm chặt nhưng không cản trở việc sản xuất của các công ty giống.

• Chuẩn hóa hệ thống phòng xét nghiệm bệnh tôm để tránh gây những tổn thất không cần thiết cho người nuôi và người sản xuất giống.

Thứ hai, cần hoàn thiện qui hoạch phát triển nuôi tôm công nghiệp. Thái Lan có diện tích nuôi nhỏ hơn Việt Nam nhưng sản lượng nuôi lớn hơn nhiều và nghề nuôi bền vững hơn nhờ qui hoạch tốt và đầu tư bài bản. Do vậy, Nhà nước cần hoàn thiện qui hoạch, đầu tư xây dựng những vùng nuôi lớn để người nuôi tôm đấu thầu thuê đất. Thúc đẩy quá trình tích tụ đất để xây dựng những trang trại lớn thông qua hình thức hợp tác xã, hiệp hội hay các công ty cổ phần, v.v...

Thứ ba, xây dựng qui trình nuôi chuẩn. Nhà nước đầu tư hình thành những trại thực nghiệm, cùng các viện, trường và các công ty nuôi tôm lớn xây dựng qui trình nuôi chuẩn, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như GAP, BAP, CoC, v.v... Khuyến khích các DN lớn đầu tư nghiên cứu xây dựng qui trình nuôi năng suất cao và bền vững để khuyến cáo cho người nuôi. Có thể lấy ví dụ từ Công ty CP của Thái Lan, đã đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu nuôi tôm với sự hỗ trợ của nhà nước.

Thứ tư, về thức ăn nuôi tôm, hiện nay ở Việt nam có rất ít DN sản xuất có công suất lớn, sản phẩm đạt chất lượng cao. Trong các công ty nước ngoài, chỉ có vài ba đơn vị có năng lực sản xuất lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn, còn lại là những công ty nhỏ, năng lực thấp, chủ yếu NK sản phẩm để phân phối. Các đơn vị lớn có thể liên kết để khống chế thị trường, cùng nhau tăng giá, trục lợi, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích đầu tư trong nước để xây dựng nhà máy thức ăn công suất lớn, đủ tiêu chuẩn và làm đối trọng được với các công ty nước ngoài, chống độc quyền, liên kết để làm giá. Đồng thời, cần ban hành qui chuẩn thức ăn nuôi tôm, theo đó chỉ những DN đạt tiêu chuẩn về nhân lực, vốn, công nghệ mới được sản xuất thức ăn nuôi tôm, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất thức ăn không đúng tiêu chuẩn và cực kỳ khó kiểm soát gây thiệt hại và làm nản lòng các nhà đầu tư tâm huyết, ảnh hưởng xấu tới phát triển ngành nuôi tôm bền vững. Người nuôi cũng có nguồn thức ăn đảm bảo tiêu chuẩn, hiệu quả cao.

Và cuối cùng, các DN chế biến tôm XK cần tích lũy vốn để phát triển công nghệ, nhằm gia tăng tỉ lệ sản phẩm GTGT, hạn chế XK sản phẩm thô và bán thành phẩm. Cần quy định chỉ DN có đủ vốn, dây chuyền công nghệ, có cơ cấu sản phẩm XK đạt tối thiểu 50% hàng GTGT mới được hoạt động. Do đặc thù ngành tôm mang tính mùa vụ rất cao nên cần tạo cơ chế thông thoáng cho việc NK nguyên liệu để chế biến, sản xuất hàng GTGT tái XK, tạo công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho người lao động.

Đây là những giải pháp thiết thực và cấp bách, rất mong cộng đồng DN, các nhà sản xuất và các cơ quan quản lý hữu quan tích cực xem xét thực hiện để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững, đạt được mục tiêu phát triển của ngành thủy sản tới năm 2020 như đã đề ra.

Theo Tạp Chí Thương Mại Thuỷ Sản



Báo cáo phân tích thị trường