Năm giờ ở ngư trường
3 giờ sáng, chúng tôi xuống thuyền của ông Nguyễn Văn Bót (ngụ Thôn Tây, xã An Vĩnh) để ra ngư trường đánh bắt cá cơm của huyện. Đi cùng thuyền của ông Bót còn có hơn chục ngư dân khác. Sau gần 30 phút hội ý chọn địa điểm thả lưới, chiếc thuyền ì ạch nổ máy kéo sáu chiếc thúng tiến thẳng ra ngư trường.
Thuyền trưởng Bót cho biết, chiếc thuyền máy của ông không trực tiếp tham gia vào việc đánh bắt cá mà nó chỉ có nhiệm vụ kéo thúng ra ngư trường. Mỗi chuyến ra và vào như thế, chủ thúng sẽ chia cho ông 8% trên tổng số cá đánh bắt được.
Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp rất nhiều người tự bơi thúng ra ngư trường, ngư dân Huỳnh Văn Chí cho biết: “Để tiết kiệm tối đa chi phí bỏ ra, nhiều người tranh thủ tự bơi. Thực ra, khoảng cách từ đảo ra ngư trường cũng không xa lắm, chỉ khoảng 1 hải lý. Nếu bơi giỏi thì chỉ độ 30 – 45 phút là tới nơi. Không tốn tiền chia cho thuyền kéo, song bù lại họ sẽ bị thiệt hại về giá cả bởi họ sẽ vào cảng muộn hơn, khi đó giá cá sẽ giảm từ 1.000 – 2.000 đồng/kg.
4 giờ sáng, ngư trường đầy nghẹt thúng của ngư dân. Theo ước lượng của chúng tôi, con số không dưới 500 thúng. Thuyền trưởng Bót cho biết: “Đáy biển ở khu vực này có cấu tạo bằng cát chứ không bằng san hô như nhiều khu vực khác quanh đảo Lý Sơn, mà cá cơm thì chỉ đẻ trên cát. Đây chính là lý do mà nó tập trung ở khu vực này là nhiều nhất”.
4 giờ 30, ngư trường bị bao vây kín bởi hàng chục ngàn mét lưới. Đây cũng là thời điểm hàng triệu con cá cơm sau khi vào bờ đẻ trứng lũ lượt kéo nhau ra biển.
5 giờ 30, các mẻ lưới đồng loạt được kéo lên. Nhiều người lắc đầu thất vọng. Một số khác thì tỏ ra rất hài lòng về thành quả làm việc của mình. Quay lại thuyền, ngư dân Huỳnh Văn Chí cho biết, hôm nay mẻ lưới của anh được khoảng 1 tạ. So với mặt bằng chung thì mẻ lưới của anh chỉ ở mức trung bình. Bởi hôm nay có người thu hoạch 2 – 3 tạ. Anh Chí nói: “Đó cũng là chuyện bình thường, bởi ngoài việc kinh nghiệm ra, chuyện may mắn trong việc buông lưới là điều không tránh khỏi”.
6 giờ, thuyền trưởng Bót đưa thuyền cập cảng. Trên bờ, ngư dân tập trung giũ cá cơm (sử dụng thanh cao su đập vào lưới) đông như trẩy hội. Công việc cuối cùng để kết thúc 5 giờ bám ngư trường của ngư dân.
Vui nhưng vẫn còn lo
So với mọi năm, vụ cá cơm năm nay của ngư dân năm nay khá hơn so với một vài năm trở lại đây. Ông Tư – một ngư dân ở xã An Vĩnh cho biết: “Năm nay sản lượng tương đối cao. Trung bình mỗi ngày, một thúng thu về khoảng 1 tạ, giá 1 ký khoảng 12.000 – 13.000 đồng nên mỗi chuyến một ngư dân kiếm được khoảng 1,2 – 1,3 triệu đồng. Đây là một khoảng thu nhập khá cao đối với người dân trên đảo”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Phận, giáo viên trường THCS An Vĩnh cho biết, sau khi nghỉ hè, anh tham gia đánh bắt cá cơm cùng ngư dân. Tính đến thời điểm này (sau hai tháng đánh bắt) anh thu về được khoảng 30 triệu đồng. Theo anh Phận, so với mọi năm thì năm nay là năm anh “trúng đậm” nhất.
|
Bên cạnh niềm vui được mùa, nhiều ngư dân đang rất lo lắng cho tương lai của ngư trường. Một ngư dân cho chúng tôi biết, những người làm nghề đánh bắt cá cơm tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định của ngành thuỷ sản: độ lớn cho phép của mắt lưới, không được sử dụng chất nổ và các loại hoá chất độc hại để bảo vệ cá con. Tuy nhiên, hiện có một số ngư dân từ nơi khác đến lén đánh thuốc nổ để khai thác. Nếu kéo dài tình trạng này thì trong một thời gian không xa, toàn bộ ngư trường cá cơm của người dân Lý Sơn sẽ bị huỷ diệt. Khi đó, cuộc sống của hàng vạn ngư dân như anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Riêng thuyền trưởng Bót mong muốn Nhà nước nên quan tâm hơn đến việc cấp vốn cho ngư dân, anh nói: “Rất nhiều người cần thúng, lưới để ra khơi đánh bắt để cải thiện cuộc sống, song khả năng không cho phép. Giá một bộ lưới, thúng khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này, đối với người dân thành phố không đáng là bao, nhưng với nhiều người nghèo Lý Sơn là cả một gia tài. Nếu được Nhà nước hỗ trợ, chắc chắn nhiều người sẽ thoát nghèo”.
Trong khi đó, ngư dân Huỳnh Tấn Hải (xã An Vĩnh) lại lo lắng về đầu ra của cá cơm. Ông Hải băn khoăn: “Thị trường tiêu thụ cá cơm trên đảo hiện do tư thương nắm giữ, họ muốn ra giá bao nhiêu thì ra trong khi ngư dân buộc phải bán chứ không thể giữ lại được”. Ông Hải đề xuất, nếu Nhà nước đầu tư cho Lý Sơn một nhà máy đông lạnh, hoặc một nhà máy chế biến thuỷ sản thì tương lai của ngư dân đánh bắt cá cơm sẽ ổn định hơn. Thiết nghĩ, đây là một mong ước chính đáng, nếu được điều đó thì chắc chắn người dân Lý Sơn sẽ yên tâm bám biển hơn.
Theo SGTT