Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cao su sẽ đạt 3 tỷ USD
02 | 08 | 2011
Tổng thư ký Hiệp hội Cao su cho rằng, các DN cao su cần đẩy mạnh chất lượng cao su, tránh việc pha trộn tạp chất vào cao su khiến chất lượng xuống thấp, làm giảm giá trị.

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), năm 2011, sản lượng cao su có khả năng tăng nhẹ khoảng 4% và nhờ bổ sung nguồn cao su tạm nhập tái xuất, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 800.000 tấn, trị giá xuất khẩu năm nay ước đạt 3 tỷ USD cao hơn mức 2,3 tỷ USD của năm 2010.

Trong 7 tháng qua, giá cao su luôn ở mức cao so với các năm trước. Giá cao su xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 4.410 USD/tấn, cao hơn so với năm trước khoảng 60%.

Theo Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), nhu cầu cao su (cả thiên nhiên lẫn tổng hợp) trên toàn thế giới sẽ đạt 26,1 triệu tấn trong năm 2011, tăng 1,7 triệu tấn so với năm 2010.

Để tận dụng cơ hội xuất khẩu cao su thuận lợi này, theo Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa- Tổng thư ký VRA, các DN cao su cần đẩy mạnh chất lượng cao su, tránh việc pha trộn tạp chất vào cao su khiến chất lượng cao su xuống thấp.

Bà  Hoa cũng kiến nghị: “Hiện nay, giá phí tàu xuất khẩu cao su đang ở mức cao. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng dự kiến áp dụng mức thuế xuất khẩu với cao su là 5%. Do vậy, để giúp DN tích lũy phát triển diện tích, gia tăng sản lượng xuất khẩu, Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính chưa áp thuế xuất khẩu cao su, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này”.

Mặc dù được giá, sản lượng tăng nhưng trên thực tế sản phẩm cao su Việt Nam vẫn chưa thực sự nổi bật trên thị trường quốc tế bởi chất lượng cao su của Việt Nam chưa đồng đều, vì thế dẫn đến giá cả bấp bênh. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu cao su chính của Việt Nam là Trung Quốc không ổn định khiến việc tiêu thụ cao su trong nước có lúc gặp nhiều khó khăn.

Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cao su trong năm 2011, trong thời gian tới, ngành cao su sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp trong việc mở rộng diện tích trồng cao su ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng cao su Việt Nam và xây dựng các nhà máy gắn với vùng nguyên liệu…

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế từ cây cao su, song song với việc mở rộng diện tích trồng cao su thêm 60.000 ha tại khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, nâng diện tích trồng cao su của cả nước lên thành 800.000 ha, các nhà khoa học cũng đưa ra những giải pháp phát triển cây cao su một cách hiệu quả để có thể cho sản lượng 1,1 triệu tấn (năm 2015) và 1,2 – 1,4 triệu tấn năm 2020.

Trước hết, muốn cây cao su thu được năng suất cao, các nông hộ đại điền và tiểu điền chú ý đến cơ cấu giống cho năng suất cao, thời gian cho thu hoạch ngắn lại để người trồng thu hồi vốn sớm.

Trong chiến lược phát triển ngành cao su thiên nhiên thời kỳ VN hội nhập kinh tế thế giới, với mục tiêu đạt sản lượng nguyên liệu 1,2 – 1,4 triệu tấn/năm và kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD hàng năm, VN cần tiếp tục phát triển thị trường cao su thiên nhiên theo chiều sâu, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho ngành.

Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa đề xuất những giải pháp để phát triển ngành cao su VN hiệu quả và bền vững:

Đó là, đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng trồng cao su và mạng lưới sơ chế cao su ở từng địa phương để đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy. Công bố rộng rãi để các doanh nghiệp, nông hộ có đủ thông tin lựa chọn phương án đầu tư; hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng cao su thiên nhiên sơ chế tại VN, tiến đến các lô hàng sản xuất và xuất khẩu đều phải đính kèm giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng sản phẩm. Hỗ trợ khu vực tư nhân nâng cao chất lượng cao su nguyên liệu nhằm đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế qua các chương trình khuyến nông, khuyến công; sản xuất chủng loại cao su nguyên liệu theo nhu cầu của thị trường. Tăng xuất khẩu chính ngạch và đa dạng hóa thị trường.

Theo Vũ Trọng

Chinhphu



Báo cáo phân tích thị trường