Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguy cơ sốt giá gạo
03 | 08 | 2011
Mấy ngày nay, nhiều loại gạo tại TP HCM và Hà Nội tăng giá liên tục, có loại chỉ 3 ngày đã đắt thêm 1.000-1.200 đồng mỗi kg

Đây được coi là đợt tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.

Chị Trâm, tiểu thương chợ Thái Bình quận I cho biết gần tuần nay nhiều loại gạo biến động giá liên tục. Tăng mạnh nhất là gạo ngang, bụi nở, bởi chỉ mới mấy ngày đã tăng 1.000-1.200 đồng một kg. Giá bán tới tay người tiêu dùng hiện khoảng 12.000 đồng, thay vì 10.800-11.000 đồng như tuần trước. Đây lại là gạo bán chạy nhất, do phù hợp với túi tiền của nhiều người.

Trong khi đó, các loại gạo ngon như: thơm thái, thơm Đài Loan, thơm Mỹ, tài nguyên... cũng đắt hơn nửa cuối tháng 7 từ 700 đến 800 đồng mỗi kg. "Tuy mỗi ngày chỉ nhích 200-300 đồng nhưng cứ tăng liên tục nên chỉ sau vài ngày đã đắt thêm gần 1.000 đồng", chị Trâm nói.

Chị Hằng, tiểu thương chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh nhận xét: "Đây là đợt tăng giá gạo mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay". Bởi các lần tăng trước chỉ dừng lại ở vài trăm đồng rồi ngưng một thời gian, thậm chí có lúc hạ xuống. Song, thời gian gần đây, các đầu mối cứ báo giá mới liên tục và còn "hăm dọa" tiểu thương giá còn tăng cao hơn nữa, do việc thu mua lúa ở miền Tây đang căng thẳng.

Tuy là mặt hàng thiết yếu, nhưng khi giá tăng, sức mua có dấu hiệu giảm lại, một tiểu thương ở chợ Vườn Chuối, quận 3 chia sẻ. Theo bà, một số mối ruột là các quán cơm thay vì mua 50 kg một lần đã hạ xuống còn chừng 20-25 kg. Trong khi đó, những người mua lẻ vài kg cũng đắn đo trước khi mua, thậm chí có người tham khảo ở các quầy hàng khác, nếu giá như nhau mới quay lại mua.

Tháng 7 âm lịch, nhiều người mua gạo cúng chùa với số lượng hàng trăm kg. Tuy nhiên, một số tiểu thương cho biết, nếu chốt giá thời điểm này có thể sẽ hòa vốn hoặc lỗ. Bởi người mua đa phần chỉ đặt hàng trước với mức giá hiện tại, nhưng lại lấy hàng sau đó vài ngày hoặc cả tuần. Lúc bấy giờ, gạo có thể đã ở mức giá khác, nhất là khi hiện nay giá gạo có xu hướng biến động mạnh.

Từ nhiều ngày nay, giá gạo tại nhiều chợ lẻ ở Hà Nội cũng rả rích tăng. Các tiểu thương cho hay, đa phần các loại gạo tẻ đều tăng khoảng 4.000-7.000 đồng mỗi yến. Cụ thể với một cân gạo tẻ, loại Bắc Hương giá 15.500 một cân; Khang Dân có giá 12.000 đồng; Tám Điện Biên và Tám Thái giá lần lượt là 16.000 và 20.000 đồng....Gạo nếp cũng tăng từ 21.000 lên 25.000 đồng mỗi kg.

Bán gạo tại chợ Mơ (Kim Ngưu, Hà Nội), Cô Viết cho biết, giá gạo tăng từ hơn một tuần này, với mức tăng không lớn song tăng thành nhiều đợt. “Đầu tuần tùy từng loại gạo mà mỗi cân gạo tăng 100-200 đồng, đến giữa tuần tăng thêm 200-300 đồng nữa. Tăng chậm nhưng liên tục kiểu này thì không khéo, sang tháng, giá gạo sẽ lên vài chục nghìn mỗi yến”, cô Viết nói.

Kinh doanh gạo lâu năm tại chợ Nguyễn Công Trứ, cô Thảo, sống ở tập thể gần đó cung cấp, những loại tăng giá mạnh nhất đều là gạo ngon như mỗi cân Tám Thái, tăng 700 đồng, Tám Điện Biên, Bắc Hương tăng 500 đồng. “Đặc biệt là gạo Thái, giá chỉ thấy tăng chứ không có đợt nào giảm như một số loại khác”, cô nói

Cô giải thích thêm, mức giá này dù có nhích cao dần lên song vẫn chưa lập đỉnh. Vì sau vụ thu hoạch gạo cách đây một tháng, mỗi yến gạo quê xuống gần 10 giá (10.000 đồng), đến nay giá mới lên trở lại 5 giá (5.000 đồng). Chỉ tay vào tải gạo Bắc Hương, cô đưa ví dụ, trước cô bán giá 16.000 đồng một cân, cách đây một tháng, giá xuống 15.000 đồng, mới đây lại tăng thêm 500 đồng.

Theo hầu hết các tiểu thương, nguyên nhân khiến giá gạo tăng cao là do giá nhập hàng tăng mạnh. Chị Lý, kinh doanh gạo trong phố Đông Các (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự, nói là giá gạo tăng nhưng thực chất người bán vẫn chỉ được lãi như cũ, thậm chí còn ít hơn vài trăm đồng, vì giá nhập hiện đã từ 500 đến 800 đồng mỗi cân.

Lãnh đạo Công ty lương thực TP HCM xác nhận, giá nguyên liệu thời gian gần đây tăng mạnh và hiện đứng mức cao, so với tuần trước đã tăng 700-1.000 đồng một kg. Gạo 5% tấm trước đây mua dưới 10.000, khoảng 9.200-9.400 thì hiện đã lên 10.500 đồng. Gạo 15% tấm hiện 10.000 đồng, trong khi vụ đông xuân hồi tháng 4, tháng 5 chỉ 8.700-8.800 đồng."Giá tăng nên mua hàng cũng khó khăn hơn vì lượng bán ra không có nhiều", ông cho biết.

Thị trường bên ngoài ngay lập tức cũng lên theo. Tuy nhiên, do doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn, vẫn giữ giá cũ nên sức mua gạo mấy ngày nay ở các cửa hàng bình ổn của công ty tăng khoảng 30-40% so với mấy tháng đầu năm.

Đại diện một công ty cung ứng gạo trên địa bàn TP HCM cũng khẳng định: "Toàn bộ số lúa thu mua từ An Giang, Cần Thơ hiện lên 6.700 đồng một kg, trong khi trước đó chừng 6.200-6.300 đồng. Giá bán tại ruộng nông dân đã gần 6.000 đồng một kg, thay vì 5.000-5.200 đồng như trước". Giá bán xuất khẩu của công ty do đó cũng lên 11.000 đồng (gạo 5% tấm), tăng 1.000 đồng một kg và là đợt tăng mạnh nhất kể từ đầu năm. Hiện lượng mua của công ty đã giảm một nửa so với các tháng trước do lúa thu hoạch được tới đâu đã bán hết tới đó.

Nguyên nhân của đợt tăng giá này, theo các công ty cung ứng gạo là do nguồn cung hạn chế. Tuy đang vào vụ hè thu nhưng thời tiết không thuận lợi cho thu hoạch, phơi phóng nên lượng đưa ra thị trường ít, cung tới đâu đã có cầu hấp thụ ngay tới đó.

Mặt khác, nhu cầu cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều nên một số doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào, chưa kể một bộ phận mua dự trữ do lo ngại giá còn tăng đã đẩy giá lúa lên cao.

Tuy nhiên, do chỉ mới thu hoạch 50% diện tích hè thu nên ngồn cung vẫn còn dồi dào. Song, nhu cầu cho xuất khẩu còn lớn nên các doanh nghiệp tiếp tục thu mua để giao hàng cho các hợp đồng đã ký. Đây là động lực giữ giá lúa gạo hè thu đứng mức cao như hiện nay, đại diện Công ty lương thực TP HCM cho biết.

Tuy giá gạo tại các chợ đang tăng mạnh song mặt hàng này bày bán trong các siêu thị hay của các công ty vẫn giữ mức giá được áp dụng từ đầu tháng 7. Quản lý một chuỗi siêu thị áp dụng chương trình bình ổn giá tại Hà Nội cho biết, gạo là một trong 9 mặt hàng thiết yếu, do vậy sẽ không bị biến động giá nhanh như bên ngoài thị trường. “Trước mắt, mức giá niêm yết từ 1/7 vẫn được giữ nguyên cho đến hết tháng 8”, vị lãnh đạo này nói.

Có tên trong danh mục thực phẩm thiết yếu nên việc giá gạo rục rịch tăng đã nhanh chóng ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng. Bác Lan (bác sĩ về hưu, sống tại phố Lê Thánh Tông) tâm sự, dù bây giờ các gia đình đều ăn ít cơm hơn trước nhưng gạo vẫn không thể thiếu trong gian bếp của mỗi nhà. Việc tăng giá gạo sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. “Giá thịt tăng gấp đôi, rau xanh đắt vì bão, giờ đến gạo cũng tăng, lương về hưu không biết đi chợ thế nào cho đủ”, bác Lan giãi bày.

Theo Bạch Hường - Xuân Ngọc

Vnexpress


Báo cáo phân tích thị trường