Việc ký được hợp đồng 500.000 tấn gạo trắng với Indonesia là nguyên nhân chính đẩy giá gạo Việt Nam tăng từ mấy tuần gần đây. Mặc dù vậy, gạo Việt Nam vẫn đang hấp dẫn khách hàng, kể cả khách đến từ Thái Lan.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, Chookiat Ophaswongse, cho biết: “Khoảng cách giá giữa gạo Việt Nam và gạo Thái Lan nay rất lớn nên rất hấp dẫn đầu tư, nhất là với gạo thơm – loại mà khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng”. Kế hoạch thu mua lúa gạo với giá gấp đôi giá thị trường hiện nay của chính phủ Thái Lan mới đã khiến thị trường gạo Thái gần đây nóng lên. Giá gạo thơm của Việt Nam hiện ở mức khoảng 650-670 đô la/tấn, thấp hơn nhiều so với mức 1.000 đô la/tấn gạo Thái Lan. Và ông Chookiat cho biết các nhà xuất khẩu Thái Lan đã mua khoảng 6.000 tấn gạo Việt Nam để xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.
Theo ông “khối lượng này không nhiều bởi sản lượng gạo thơm của Việt Nam hàng năm không cao, song khi tiếp xúc với các đối tác Việt Nam chúng tôi biết rằng nông dân Việt Nam đang tăng cường trồng lúa thơm để thu được giá cao hơn”. Reuters cho biết có tin một số công ty Thái Lan đã thành lập văn phòng giao dịch ở Việt Nam và Campuchia để mua gạo xuất sang các thị trường khác.
Hiện phía Thái Lan chưa xác nhận tin này, song một số thương gia cho biết đó đơn giản chỉ là sự hợp tác giữa các nhà xuất khẩu Thái Lan và người bán gạo Việt Nam. Và ông Chookiat cho biết có khả năng trong tương lai các nhà xuất khẩu Thái sẽ thành lập các văn phòng ở Việt Nam.
Gạo 100% B của Thái hiện giá vững ở 555 đô la/tấn, cao hơn khoảng 7% so với với thời điểm bầu cử hôm 3/7, bởi nhiều thương gia và nhà máy xay xát tranh thủ mua gạo trước khi có chinh sách can thiệp giá mới. Gạo 5% tấm của Việt Nam hiện giá 530 đô la/tấn, FOB, so với 515-530 đô la tuần trước. Mức giá này vẫn thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan – 540 đô la/tấn.
Gạo 25% tấm của Việt Nam giá tăng lên 495 đô la/tấn, từ 480-490 đô la một tuần trước đây. Lúa hè thu loại 2 – dùng để sản xuất gạo 15% tấm, loại mà Indonesia đã mua, và gạo 25% tấm – đã tăng giá lên 8.500-8.640 đồng/kg tại đồng bằng sông Cửu Long, từ mức 8.350-8.530 đồng một tuần trước đây.
Các thương gia cho biết không chỉ mua gạo thơm của Thái Lan, khách hàng Trung Quốc cũng nhập khẩu gạo trắng của Việt Nam, với khối lượng khoảng 220.000 tấn trong nửa đầu năm nay, đó là chưa kể lượng xuất khẩu tiểu ngạch. Cùng thời điểm đó năm ngoái Trung Quốc không mua gạo Việt Nam.
Dự báo trong tuần tới giá gạo sẽ còn tiếp tục tăng, nhất là sau khi có tin Indonesia xem xét mua thêm gạo Thái Lan. Indonesia đang thương lượng với nước xuất khẩu lớn nhất là Thái Lan để nhập thêm nữa. Giám đốc điều hành Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog), ông Sutarto Alimoeso, cho biết: “Chúng tôi đang tích cực gặp gỡ chính phủ Thái Lan để bàn về hợp nhập khẩu gạo liên chính phủ”, nhằm gia tăng lượng dự trữ.
Theo TBKTSG