Từ nay đến cuối năm VN sẽ có nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo lớn, giá xuất khẩu tiếp tục tăng, nhưng doanh nghiệp phải đảm bảo lượng gạo dự trữ lưu thông, không để giá gạo trong nước tăng cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Đó là kết luận của ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tại hội nghị tổng kết tình hình xuất khẩu gạo tháng 7 và kế hoạch xuất khẩu thời gian tới của VFA ngày 5-8 ở TP.HCM.
Dự trữ lưu thông gạo
Theo ông Phong, tính đến cuối tháng 7-2011, lượng hợp đồng đã ký và lượng gạo đã xuất của VN đều đạt mức kỷ lục, trong đó hợp đồng đã ký đạt 6,2 triệu tấn và lượng gạo xuất khẩu là 4,62 triệu tấn. Số lượng hợp đồng còn giao hàng từ tháng 8 là 1,564 triệu tấn và tồn kho của các doanh nghiệp xấp xỉ 1,4 triệu tấn.
Sẽ xuất 7-7,3 triệu tấn gạo
Theo VFA, căn cứ số lượng hợp đồng đã ký và khả năng giao hàng, xuất khẩu gạo của VN trong tháng 8 và tháng 9 sẽ đạt 700.000 tấn/tháng, như vậy đến hết quý 3 năm nay, lượng gạo xuất khẩu của VN đạt 6 triệu tấn.
Theo kế hoạch cân đối do Bộ NN&PTNT hướng dẫn, tổng lượng gạo hàng hóa cả năm 2011 có thể xuất khẩu từ 7-7,3 triệu tấn. “Vẫn chưa có con số cuối cùng về lượng gạo đã xuất khẩu trong năm nay nhưng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục xuất khẩu nếu còn gạo hàng hóa sau khi cân đối kinh doanh và đảm bảo dự trữ lưu thông trong nước”, ông Trương Thanh Phong cho biết.
|
Do tác động từ chính sách giá thu mua lúa mới của Thái Lan cũng như nhu cầu mua thêm gạo với số lượng lớn tại nhiều nước châu Á nên chắc chắn giá lúa gạo trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, lượng lúa hàng hóa của VN hiện không còn nhiều trong khi lượng hợp đồng còn rất lớn và sẽ tiếp tục ký đến quý 1-2012. Ông Phong đề nghị các doanh nghiệp thành viên nên bán ra thận trọng theo giá thị trường, có gạo trong kho mới bán vì từ nay đến quý 1-2012 giá gạo chỉ tăng chứ không giảm.
Để bình ổn giá gạo trong nước, ông Phong cho biết các doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ lưu thông như nội dung của nghị định 109 (các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong sáu tháng trước đó) với mục tiêu không để thiếu gạo ăn trong nước, không để giá gạo biến động quá cao ảnh hưởng đến người tiêu dùng. “Khi đã chắc chắn đủ lượng gạo tạm trữ lưu thông thì xuất khẩu bình thường”, ông Phong nhấn mạnh. Hiện các đơn vị có hệ thống phân phối gạo nội địa đều đã có sự chủ động tạm trữ để cung ứng gạo ra thị trường. Trong trường hợp cần thiết, mọi doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều phải tham gia bình ổn.
Ông Cao Minh Lãm, giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang, đánh giá sản lượng lúa hè thu năm nay sẽ đủ để cung cấp cho các hợp đồng đã ký tính đến cuối tháng 7. Từ ngày 1-10, nghị định sản xuất kinh doanh lúa gạo của Chính phủ có hiệu lực, theo đó số lượng các đầu mối xuất khẩu sẽ giảm đáng kể nên tình trạng ký hợp đồng ồ ạt như thời gian qua sẽ bớt lại và việc bình ổn thị trường gạo là khả thi.
Sẽ có nhiều hợp đồng lớn
Chỉ trong vòng một tháng qua, giá lúa trong nước đã tăng tổng cộng 1.000 đồng/kg, lên 6.650 đồng/kg với lúa khô thường và 6.800 đồng/kg với lúa khô dài, mức cao nhất kể từ trước đến nay. Giá lúa hè thu năm nay cao hơn 54% so với lúa hè thu năm ngoái và cao hơn 22% so với lúa đông xuân vừa rồi. Nhiều doanh nghiệp cho biết đang xảy ra tình trạng tranh mua lúa giữa các doanh nghiệp, thương lái. “Một phần do doanh nghiệp phải mua để giao các hợp đồng đã ký từ trước nhưng có nhiều doanh nghiệp mua để trữ vì dự đoán giá lúa sẽ tăng cao trong thời gian tới” - ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch VFA, cho biết.
Theo VFA, trước khả năng Thái Lan nâng giá gạo nội địa lên đến 850 USD/tấn với gạo trắng và 1.400 USD/tấn với gạo thơm sẽ kéo giá gạo thế giới tăng theo. Bởi Thái Lan là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nên dù ở kịch bản nào (giá gạo Thái Lan cao nên khách hàng không mua hoặc khách hàng chấp nhận giá gạo của Thái) đều thúc đẩy giá gạo tăng cao. Mỹ cũng góp phần làm tăng giá gạo thế giới do sản lượng giảm đến 1,5-2 triệu tấn và giá gạo hạt dài của Mỹ lên đến 600-650 USD/tấn, vượt qua gạo của Thái Lan.
Ngoài ra, nhu cầu gạo của châu Á trong những tháng cuối năm tăng nhanh sẽ tiếp tục là cơ hội cho xuất khẩu gạo VN - là một nguồn cung cấp được lựa chọn sau Thái Lan bởi sự phù hợp về chất lượng và độ tươi mới (các nước khác hoặc xuất khẩu nhiều hàng tồn kho lâu, hoặc gạo chất lượng kém hơn VN). Ông Trương Thanh Phong cho biết trong tháng 7, VN đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo kỷ lục là 1 triệu tấn, trong đó có hợp đồng tập trung cho Indonesia 500.000 tấn. Indonesia cho biết sẽ còn mua thêm 1,1 triệu tấn từ nay đến cuối năm, trong đó một phần mua gạo 5% của Thái Lan, còn lại sẽ mua từ VN. Cả Philippines, Malaysia, Bangladesh đều có nhu cầu mua thêm gạo trong các tháng tới.
Không có chuyện thương nhân Trung Quốc sang mua gom lúa gạo
Ngày 5-8, VFA khẳng định không có chuyện thương nhân Trung Quốc và Thái Lan sang mua gom lúa gạo VN thời gian qua. Theo ông Trương Thanh Phong, từ đầu năm đến nay VN chủ yếu xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch và chưa có thương lái Trung Quốc đến tận ruộng mua lúa. Cũng không có chuyện các thương lái Thái Lan sang VN mua lúa gạo.
|
Theo TRẦN MẠNH
Tuổi trẻ