Cà phê được xem là một trong 4 nhóm hàng xuất khẩu nông sản chủ lực. Chính phủ cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển ngành này, song người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê vẫn phải bươn chải để tồn tại.
Thiệt hại khi giá cà phê tăng cao
Vào thượng tuần tháng 7/2011, giá cà phê xô tại Tây Nguyên đã xấp xỉ 50.000 đồng/kg, nhưng người trồng cà phê vẫn không mấy phấn khởi, bởi hầu hết không còn cà phê để bán.
Tình trạng thiếu vốn phải “bán non”, hoặc thu hoạch xong phải bán ngay từ đầu vụ với giá thấp, lúc giá lên không còn cà phê để bán từng diễn ra trong nhiều năm qua. Bức bối, nhưng nhiều hộ gia đình trồng cà phê ở Tây Nguyên đành phải chấp nhận.
Là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê đứng thứ hai trong cả nước (sau Đắc Lắc) với gần 140.000 ha cà phê, sản lượng bình quân đạt trên 300.000 tấn/năm, nhưng trên thực tế, hầu hết các hộ dân trồng cà phê tại Lâm Đồng đều phải bán tháo hoặc bán cà phê ngay từ đầu vụ, nên đến thời điểm này, lượng cà phê tích trữ trong dân là rất ít. Điều này cho thấy, có trên 85% lượng cà phê đã được các cơ sở đại lý, doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn thu mua với giá thấp ngay từ đầu vụ.
Ông K’Brell, ngụ tại xã Tân Thượng, huyện Di Linh, vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng cho biết, 100% hộ trong xã đều có thu nhập chính từ cây cà phê. Trong đó gần 80% là người dân tộc thiểu số trồng cà phê, nhưng trong số này chỉ còn vài hộ khá giả mới còn tích trữ cà phê, đa phần đã bán hết ngay từ đầu vụ hoặc bán trước cho các đại lý theo hình thức “bán non”.
Đắc Lắc - địa phương dẫn đầu trong cả nước về diện tích, sản lượng cà phê hàng năm - cũng rơi vào cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắc Lắc cho biết, toàn tỉnh hiện có 190.000 ha trồng cây cà phê, sản lượng cà phê niên vụ vừa qua đạt trên 399.000 tấn, nhưng sản xuất - kinh doanh cà phê manh mún, nhỏ lẻ.
Ông Nguyễn Văn Sinh phân tích, trong số diện tích nói trên chỉ có khoảng 20.000 ha là vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp (chiếm 15%), số còn lại là của 180.500 nông hộ. Như vậy, diện tích trồng cà phê bình quân theo hộ rất thấp (hơn 70% số hộ có diện tích dưới 1 ha), sản lượng cà phê không cao. Do thu nhập chủ yếu từ cây cà phê, nên ngay khi thu hoạch xong, nông dân đành chấp nhận bán tháo để có tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày, không có điều kiện để tích trữ cà phê chờ... lên giá.
Thêm vào đó, với đặc tính của cây cà phê là ngay khi thu hoạch xong buộc phải khẩn trương tập trung đầu tư chăm bón để cây chóng phục hồi, nên người trồng cà phê phải đầu tư một nguồn chi phí đáng kể. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, phần lớn nông hộ phải ứng trước tiền, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật từ các đại lý vật tư nông nghiệp (cũng là đại lý thu mua cà phê tại địa phương) bằng các “khế ước” tới đầu vụ trả bằng cà phê hạt. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sản lượng cà phê tích trữ trong dân không còn nhiều vào cuối vụ.
Một số nông hộ khác được vay vốn của ngân hàng cũng phải trả nợ ngay từ đầu vụ bằng cà phê, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trong cùng thời điểm đầu vụ, khiến cà phê mất giá. Đã vậy, do chi phí đầu vào như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, công lao động… tăng cao, tình trạng khô hạn, sâu bệnh có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, cụ thể như nạn ve sầu tấn công cây cà phê nhưng chưa có thuốc đặc trị nên người trồng cà phê ngày càng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc người nông dân làm ra sản phẩm cà phê, nhưng tư thương là người quyết định giá, mọi mua bán cũng đều thông thương lái, đại lý doanh nghiệp nên tình trạng ép giá vào đầu vụ là không thể tránh khỏi.
Với nhiều khó khăn bao vây, người trồng cà phê luôn bị thiệt đơn, thiệt kép, thu nhập vô cùng bấp bênh.
Ai hưởng lợi từ chương trình tạm trữ?
“Chương trình thu mua tạm trữ cà phê của Chính phủ là rất cần thiết, nhưng do triển khai chậm nên trong niên vụ vừa qua, hầu hết nông dân không được hưởng lợi từ chương trình này”- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Lắc Nguyễn Văn Sinh khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, trừ một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê có vùng nguyên liệu (chiếm khoảng 15%), các doanh nghiệp còn lại ở Đắc Lắc đều thu mua thông qua tư thương, đại lý, chứ không mua trực tiếp dân. Không chỉ vậy, vì diện tích manh mún, sản lượng nhỏ lẻ nên không phải nông dân nào cũng đủ điều kiện chờ đến khi có chính sách mới mang cà phê ra bán. Đó là chưa kể nhiều nông hộ có diện tích nhỏ, không có vốn phải bán “cà phê non” - nông dân chốt giá với tư thương từ khi cà phê chưa ra hoa để lấy phân bón, lấy tiền chi tiêu, khi thu hoạch xong phải mang trả cho đại lý bằng cà phê, nên phần thiệt luôn thuộc về nông dân. Điều này cho thấy, mối liên kết giữa nông dân với các đại lý thu mua và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê không chặt chẽ. Đây cũng chính là điểm yếu nhất của ngành cà phê Việt Nam, chứ không phải của riêng Đắc Lắc.
Một số nông hộ nông dân trồng cà phê ở Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng cũng cho biết, khi nghe Chính phủ có chủ trương hỗ trợ lãi suất 6% cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê, nhiều người rất đồng tình, nhưng chương trình vẫn chưa tới được nông dân, vì thời điểm doanh nghiệp triển khai thu mua thì nông dân không còn cà phê để bán.
Ông Nguyễn Sỹ Hồ (ngụ 38 Nguyễn Kim, TP. Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc), có 2,5 ha cà phê kinh doanh tại huyện Krông Pút, bộc bạch: “Tôi có nghe về chương trình thu mua tạm trữ cà phê để bình ổn giá cho nông dân nhưng không thể tiếp cận… Có lẽ, Nhà nước chỉ hỗ trợ cho một số doanh nghiệp trực tiếp thu mua tạm trữ, chứ nông dân chúng tôi thì không được gì”. Còn ông K’Brêu, ngụ tại thôn Di Linh Thượng, xã Gung Ré, huyện Di Linh (Lâm Đồng), người có tới 6 ha cà phê, cho biết: “Vụ mùa vừa qua, gia đình tôi thu được trên 23 tấn cà phê nhân, nhưng đến thời điểm doanh nghiệp được Chính phủ chỉ định thu mua tạm trữ, thì lượng cà phê còn lại trong nhà không quá 5 tấn”. Cũng theo ông K’Brêu, vì chương trình triển khai quá chậm nên trước đó, gia đình ông đã bán cà phê với giá 21 - 22 triệu đồng/tấn.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hằng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Thu Lợi (một trong những doanh nghiệp được UBND tỉnh Đắc Nông giới thiệu tham gia Chương trình thu mua tạm trữ cà phê, nhưng xin rút lui khỏi danh sách) nhận định: “Chương trình thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê của Chính phủ thực chất là để cứu ngành xuất khẩu cà phê. Tất nhiên, người được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình là các nhà xuất khẩu, chứ không phải nông dân. Các đại lý, doanh nghiệp nhỏ và vừa là những người làm trung gian đứng ra thu mua cà phê của nông dân cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng không được gì từ chương trình này”.
Theo bà Thu, mục tiêu chính của doanh nghiệp là lợi nhuận, kinh doanh là phải có lời, không có chuyện doanh nghiệp nào dám hy sinh lợi nhuận để đứng ra gánh vác việc bình ổn giá cho nông dân và nhận rủi ro về mình, trong khi theo quy định của Chính phủ, các doanh nghiệp phải thực hiện việc mua cà phê tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Thêm vào đó, khi các đại lý, doanh nghiệp thu mua cà phê của nông dân cũng đồng nghĩa với việc chốt giá tại thời điểm giao dịch, nên chỉ có doanh nghiệp nào được Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay mới được lợi, chứ không phải là nông dân.
Theo Tân Phong
Báo Đầu tư