Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Hùng Vương, cho biết khoảng hơn một tuần nay, khách hàng châu Âu, Mỹ tìm đến giao dịch mua với số lượng cá tra philê rất lớn. Họ yêu cầu ký hợp đồng giao hàng rải đều từ tháng 9 cho đến hết quý một năm sau, mức giá đưa ra cao hơn trung bình 20% so với tháng 7.
Theo ông Trương Đình Hoè, tổng thư ký hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), những khó khăn về tài chính chỉ làm thay đổi cách kinh doanh của người mua hàng. Trước đây, khi nguồn tiền dồi dào, nhà nhập khẩu thường chọn cách dự trữ lúc giá rẻ, nhưng nay vì tín dụng bị thắt chặt nên họ phải chuyển sang mua đâu bán đó. Và mặt hàng cá tra vẫn được đánh giá là rẻ hơn so với các loại thuỷ sản khác, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng nên nhà nhập khẩu vẫn ưu tiên mua.
Thị trường xuất khẩu khởi sắc, lập tức tạo ra cuộc đua giành giật nguyên liệu. Ngày 30.8, giá cá tra loại một, kích cỡ 600 – 700 gram/con, được doanh nghiệp mua ở mức 24.500 đồng/kg, loại quá lứa lên 22.000 đồng, tăng trung bình 1.500 đồng/kg so với hồi giữa tháng. Nhiều nhà máy cho biết tình trạng thiếu cá nguyên liệu bắt đầu xảy ra giống như hồi đầu năm nay, nên phải từ chối nhiều hợp đồng.
Nhiều nhà máy thức ăn thuỷ sản thông tin, sản lượng bán hàng ra mỗi tháng tiếp tục giảm khá mạnh, trung bình từ 20 – 30%, cá biệt có trường hợp giảm 50% công suất. Giá cá tra tụt giảm từ 28.000 – 29.000 đồng/kg xuống còn 20.000 – 21.000 đồng trong suốt ba tháng qua, cộng với ngân hàng thắt chặt tín dụng, lãi suất vay quá cao là nguyên nhân khiến người nuôi không mặn mà mở rộng việc nuôi cá. Chính vì vậy, không chỉ trong tháng 9 này mà ngay cả khi vào mùa tiêu thụ cao điểm cuối năm, Vasep dự báo nguyên liệu cá tra sẽ thiếu hụt trầm trọng, gây ra tình trạng sốt giá.
Theo SGTT