Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 8/2011 cả nước xuất khẩu 15.000 tấn hạt tiêu, thu về 91 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 8 tháng qua lên 98.000 tấn với giá trị kim ngạch 545 triệu USD, tăng 6,5% về lượng và tăng tới 78,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá tiêu xuất khẩu tăng mạnh, bình quân 7 tháng đạt 5.499 USD/tấn tăng 70,4% so với cùng kỳ. Còn tính bình quân trong tháng 8 đã đạt tới 6.066 USD/tấn.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã điều chỉnh tăng mức dự báo kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong năm nay có thể đạt mức hơn 800 triệu USD, tăng gần 70 triệu USD so với con số dự báo của tháng trước do yếu tố tăng khối lượng xuất khẩu cũng như tăng giá xuất khẩu trong thời gian gần đây.
Thị trường hạt tiêu đang sôi động được các chuyên gia phân tích là do mặt hàng tiêu thiếu hụt hầu như trên toàn cầu. Hiệp hội hạt tiêu thế giới dự đoán sản lượng hạt tiêu toàn cầu năm 2011 giảm 2%, xuống mức 309.952 tấn. Lượng dự trữ giao kỳ hạn giảm xuống mức 94.582 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu giảm 11%, xuống mức 237.650 tấn.
Hiệp hội Tiêu Việt Nam cho rằng, giá tiêu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, vì trong nước chỉ còn khoảng 15.000 tấn tiêu tồn kho. Nhiều thông tin tồn kho giảm mạnh, nên thương nhân nước ngoài đang đổ vào Việt Nam để mua tiêu. Trong khi nhu cầu thế giới vẫn tăng thì nguồn cung lại giảm sút ở nhiều nước sản xuất chính sẽ tạo nên những diễn biến khó lường. Điều này khẳng định giá tiêu trong những tháng cuối năm còn bất ngờ.
Giá tiêu xuất khẩu phi mã đã kéo theo giá tiêu trong nước ngày càng tăng cao. Tháng trước, giá thu mua tiêu đen 115-120 nghìn đồng/kg, hiện các đại lý thu mua tiêu ở Đắk Lắk trả cho nông dân tới 135.000 đồng/kg càng làm nóng không khí ở các vườn tiêu Tây Nguyên. Do giá tiêu quá cao, nên đông đảo các hộ nông dân ở đây bất chấp khuyến cáo của các cơ quan, đầu tư trồng mới ồ ạt cây tiêu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cho biết, hiện diện tích tiêu toàn tỉnh đã tăng hơn 6.000 héc ta, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh chiếm tới gần 4.000 héc ta, diện tích còn lại nằm rải rác ở các huyện Chư Prông, Đắk Đoa. Do phát triển trồng tiêu ồ ạt, nên sâu bệnh gây hại cây tiêu ngày càng nguy hại. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, năm nay đã có trên 2.000 ha hồ tiêu bị sâu bệnh, trong đó 670 ha bị bệnh vàng thối rễ tơ, 210 ha bị bệnh thối thân thối gốc gây hại, trên 1.100 ha bị bệnh tuyến trùng rễ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, chỉ từ đầu tháng 6 đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã trồng mới thêm hơn 1.200 ha, đưa tổng diện tích tiêu hiện có tăng lên 6.000ha. Trong khi đó, chủ trương của tỉnh Đắk Lắk là, để phát triển cây tiêu bền vững, từ nay đến năm 2015 chỉ ổn định diện tích 4.900 ha, với sản lượng mỗi năm đạt từ 14.715 tấn tiêu hạt trở lên và chỉ trồng tiêu ở những chân đất thích hợp, không phát triển ồ ạt.
Diện tích tiêu được nông dân tự phát trồng mới tập trung nhiều nhất ở các huyện Ea H’Leo, Krông Năng, Krông Búk, Cư Kuin, Cư M’Gar. Bà con đã chuyển đất vườn tạp, đất nương rẫy trồng ngô, đậu đỗ các loại sang trồng hồ tiêu. Nhiều hộ đồng bào các dân tộc ở các huyện Krông Năng, Ea H’Leo đã đầu tư hàng chục triệu đồng mua trụ chết, “mồi” tiêu (đọt giống) về trồng. Các doanh nghiệp, nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn cũng đã tận dụng các loại cây che bóng mát trong vườn cà phê như bơ, muồng đen để làm cây trụ sống trồng thêm hồ tiêu.
Tuy nhiên, do chạy theo phong trào, nhiều hộ đưa cây tiêu vào trồng ở những vùng đất không thích hợp, đất trũng, thoát nước kém. Nghiêm trọng hơn, đồng bào sử dụng các giống tiêu (đọt giống) không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chỉ mua thông qua trung gian các nhà vườn nên các vườn tiêu dễ phát sinh các loại sâu bệnh hại, chất lượng tiêu hạt kém.
Thực tế, trong vài năm gần đây, do không thực hiện theo khuyến cáo của các đơn vị chức năng, hàng loạt vườn tiêu của các hộ ở huyện Cư M’Gar, Ea H’Leo bị “xóa sổ” do nhiễm nấm, tuyến trùng, úng nước, bị bệnh chết nhanh, chết chậm, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Mặt khác, do yêu cầu phát triển cây hồ tiêu nên bà con các dân tộc ở các địa phương đã xâm hại tài nguyên rừng, phá rừng trái phép khai thác gỗ lấy trụ tiêu.
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, nếu ngành nông nghiệp Đắk Lắk không có biện pháp để kìm hãm sự lan tỏa của “cơn lốc” hồ tiêu thì chỉ vài năm nữa thôi, diện tích hồ tiêu của Đắk Lắk sẽ nhiều nhất nước và đạt khoảng 10.000 ha.
Ngành nông nghiệp mấy năm qua đang cố gắng giữ diện tích hồ tiêu 50.000 ha nhưng với đà tăng giá tiêu trong gần 1 năm qua thì việc phá vỡ quy hoạch là khó tránh khỏi. Nếu ngành nông nghiệp không sớm có giải pháp và khuyến cao người dân thì khi giá tiêu xuống sẽ có nhiều hộ rơi vào vòng luẩn quẩn là nhổ bỏ rồi lại trồng mới.
Theo Vneconomy