Tuy nhiên, chính sách này đang bộc lộ những bất cập cần sớm được giải quyết để thực thi có hiệu quả hơn.Nhằm hoàn thiện chính sách phát triển thương mại miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ đã ban hành hai nghị định số 20/1998/NĐ - CP ngày 31/3/1998 và số 02/2002/NĐ - CP ngày 3/1/2002.
Trợ giá, trợ cước là cần thiết
Theo đó, Nhà nước thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển đối với muối iốt, giống cây trồng và trợ cước vận chuyển đối với dầu hỏa thắp sáng, giấy viết học sinh, phát hành sách, thuốc chữa bệnh, phân bón, thuốc trừ sâu, than mỏ. Đồng thời, thực hiện trợ cước vận chuyển tiêu thụ nông - lâm sản sản xuất ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.
Từ 1998 đến hết quý II/2006, Nhà nước đã thực hiện trợ giá, cước cho 3.986.599 tấn mặt hàng thuộc chính sách xã hội (giống cây trồng, phân bón và dầu hỏa thắp sáng); 1.236.629 tấn muối iốt; trợ cước vận chuyển tiêu thụ sản phẩm cho 620.484 tấn hàng; trợ cước vận chuyển 669.713 tấn giống thủy sản; trợ giá máy thu thanh bán rẻ cho đồng bào khu vực 3 từ 2000- 2002 là 225.986 chiếc với giá trị 33.225 triệu đồng; từ 2003 đến hết 6 tháng đầu 2006 thực hiện 700 trạm với giá trị 50.008 triệu đồng cho hỗ trợ đầu tư phát triển trạm phát thanh truyền thanh cấp xã, cụm dân cư.
Những đối tượng và địa bàn được quy định tại Nghị định 20 và Nghi định 02, kể cả lực lượng vũ trang tại các địa bàn đó đều được thụ hưởng chính sách nói trên. Báo cáo của Ủy ban dân tộc cho biết, từ 1998 đến 2000, có 50/61 tỉnh thành; từ 2001 đến 2004, có 36/61 tỉnh thành và từ 2005 đến nay có 38/64 tỉnh thành được hưởng trợ giá trợ cước.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Ksor Phước đánh giá: "Những mục tiêu chủ yếu của chính sách trợ giá trợ cước từ 1998 đến nay đều được thực hiện. Giá mua các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống ngang bằng với giá tại trung tâm thị xã thành phố. Không để xảy ra biến động giá trong các dịp lễ tết hoặc khi gặp thiên tai và đảm bảo phát triển thị trường miền núi trong điều kiện nền kinh tế thị trường".
Vướng mắc khi thực hiện chính sách
Tại Hội nghị sơ kết thực hiện chính sách trợ giá trợ cước do Uỷ ban dân tộc tổ chức ngày 03/10/2006, đại biểu của tỉnh Sơn La nói: "Có những quy định quá cứng nhắc, nhiều khi trói tay các cơ quan thực thi.
Theo quy định, chỉ có vùng 3 (đặc biệt khó khăn) mới được phép bao cấp trạm phát thanh nhưng ở Sơn La có xã Vân Hồ mặc dù là vùng 2 nhưng tỷ lệ người nghiện ma túy thì nhiều đến mức khủng khiếp so với tình hình chung của tỉnh. Ủy ban dân tộc tỉnh đã tham mưu cho các cấp chính quyền cấp một trạm phát thanh để tuyên truyền vận động bỏ nghiện nhưng khi thanh tra Bộ Tài chính lên kiểm tra thấy đầu tư không đúng địa bàn nên thu tiền về!".Sự cứng nhắc này còn diễn ra trong việc thực hiện trợ giá giống cho bà con.
Theo quy định, lượng giống cho một huyện không được quá 12 tấn/vụ nhưng nhu cầu thực tế có thể lên tới 18 tấn và doanh nghiệp cung ứng khi thấy thiếu lại phải đôn đáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến sở tài chính, rồi đến UBND tỉnh và đến khi được phép cung ứng thì mùa vụ đã qua từ lâu.
Một đại biểu khác cũng cho biết, với đồng bào trồng lúa nước thì được hỗ trợ năm này qua năm khác, nhưng đồng bào không có diện tích trồng lúa nước thì không được hỗ trợ, mặc dù sinh kế của họ vẫn gắn với trồng trọt ngay tại địa bàn đó.
Chưa kể, những doanh nghiệp thực hiện chính sách thu mua nông sản vùng cao cũng gặp không ít khó khăn trong việc cạnh tranh với tư nhân. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, số tiền được trợ giá khi thu mua một đơn vị sản phẩm luôn ít hơn số tiền VAT phân bổ trên đầu sản phẩm đó. Những doanh nghiệp tư nhân luôn trốn được khoản thuế VAT nên khi mua thì cùng một mức giá và khi bán thấp hơn nên những doanh nghiệp Nhà nước không thể cạnh tranh nổi.
Trước tình trạng này, một số địa phương đã tự ý cho phép các doanh nghiệp được hoàn thuế VAT thay cho khoản trợ giá. Sự "xé rào" này không chỉ sai nguyên tắc và thất thu nguồn thuế mà còn gây nên sự bất bình đẳng cho các doanh nghiệp tại những địa bàn khác làm ăn nghiêm túc.
Làm sao hài hòa giữa bảo trợ và hội nhập?
Để chính sách trợ giá trợ cước hiệu quả, theo kiến nghị của các địa phương, Chính phủ cần cho phép kéo dài việc thực hiện chính sách này đến 2010, nguồn kinh phí thực hiện cấp bằng nguồn ngân sách Nhà nước theo hình thức bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TW cho địa phương.
Mặt khác, đối với địa phương- nơi trực tiếp thực hiện chính sách, cần phân cấp tổ chức thực hiện giữa tỉnh - huyện - xã và thống nhất giao cho cơ quan phụ trách công tác dân tộc cấp tỉnh thống nhất quản lý, chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trợ giá trợ cước, tránh việc phân bổ kinh phí không đúng đối tượng, phiền nhiễu cho doanh nghiệp cũng như chống thất thoát lãng phí.
Tiếp theo, vấn đề trợ giá trợ cước cho đồng bào thiểu số vùng cao, hải đảo, những nơi khó khăn về địa hình địa lý là chính sách nhân đạo mà bất kỳ một quốc gia nào cũng thực thi. Ngay cả ở Hàn Quốc hay Mỹ, để trợ giúp sinh kế cho người dân vùng cao, những nước này vẫn thực hiện chính sách "mua mười nhưng bán hai".
Tuy nhiên, có một yếu tố cần tính đến khi hội nhập, một số sản phẩm của đồng bào xuất khẩu ra nước ngoài như cà phê, hồ tiêu... ở Tây Nguyên và một số nơi khác nếu sử dụng những nguyên vật liệu đầu vào được trợ giá như phân bón, giá cước vận chuyển khi thu mua... rất dễ nảy sinh những tranh cãi pháp lý do bị áp thuế chống trợ cấp.
Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia, cần chú ý và rà soát những yếu tố tiềm ẩn, tránh việc kiện tụng không đáng có. Liên quan tới vấn đề này, ông Trịnh Công Khanh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách Ủy ban dân tộc nói: "Những năm đầu hội nhập, Nhà nước cần tranh thủ phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất để đến khi hội nhập, sự can thiệp của Chính phủ đối với chính sách giá cho đồng bào vùng cao sẽ giảm và thậm chí dỡ bỏ.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, nếu Nhà nước không thực hiện trợ giá trợ cước thì không đảm bảo công bằng trong cộng đồng các dân tộc và những người dân nơi đây sẽ không đủ điều kiện phát triển sản xuất".